Hôm 14/7, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp, liên danh các nhà đầu tư đã trình bày phương án mở rộng tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương – Mỹ Thuận, trong đó đáng chú ý là đề xuất phương án tổ chức thi công nhưng vẫn đảm bảo lưu thông toàn tuyến trong suốt thời gian triển khai dự án.
Tuyến cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận có tổng chiều dài hơn 96km, gồm hai đoạn: TPHCM – Trung Lương được Nhà nước đầu tư, đưa vào khai thác từ năm 2010 và Trung Lương – Mỹ Thuận do doanh nghiệp đầu tư, vận hành từ năm 2022.
Hiện nay, toàn tuyến chỉ có 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp nên thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết.

Trước thực tế đó, liên danh các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tasco, Tổng công ty Hoàng Long và Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII) đã đề xuất phương án mở rộng toàn tuyến với tổng vốn đầu tư khoảng 39.800 tỷ đồng, theo hình thức đối tác công tư (PPP), dự kiến triển khai từ năm 2024 đến 2028.
Cụ thể, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ được mở rộng từ 4 lên 6 làn xe, với nền đường rộng 32m, tốc độ thiết kế đạt 100km/h. Đồng thời, tuyến sẽ được bổ sung hệ thống giao thông thông minh (ITS), trạm thu phí, điểm dừng nghỉ và hệ thống chiếu sáng hiện đại.
Đoạn TPHCM – Trung Lương sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, nền đường rộng 41m và tốc độ thiết kế đạt 120km/h. Về lâu dài, đoạn Chợ Đệm – Vành đai 4 được quy hoạch lên đến 12 làn xe, còn đoạn từ Vành đai 4 đến Trung Lương đạt 10 làn.
Đáng chú ý, để hạn chế tối đa tác động đến lưu thông trong thời gian thi công, đơn vị đầu tư đề xuất thi công phần mở rộng bên trái tuyến (hướng Trung Lương đi Mỹ Thuận) và chia thành nhiều giai đoạn.
Ban đầu, đơn vị thi công sẽ dựng hàng rào cách ly khu vực thi công với phần đường đang khai thác, sau đó chuyển phương tiện lưu thông sang làn mới đã hoàn thành để tiếp tục thi công phần giữa, quy trình này sẽ được lặp lại đến khi toàn tuyến hoàn thiện.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Trí Quang – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – nhấn mạnh, việc mở rộng tuyến cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận là yêu cầu cấp thiết nhằm tăng cường kết nối giữa TPHCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, ông Quang cũng đề nghị các đơn vị liên quan cần làm rõ thêm phương án tổ chức thi công để đảm bảo an toàn giao thông trong suốt quá trình triển khai. Đồng thời, ông giao Sở Xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp các sở ngành thẩm định toàn bộ phương án đầu tư, pháp lý và quy trình thực hiện dự án.
Việc mở rộng tuyến cao tốc TPHCM – Mỹ Thuận được kỳ vọng sẽ góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến huyết mạch nối TPHCM với miền Tây, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.