Đề xuất làm cao tốc nối Đắk Lắk - Phú Yên sau sáp nhập hai tỉnh

VOH - Đoạn cao tốc đề xuất nối từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến quốc lộ 14 theo phương thức PPP có tổng mức đầu tư hơn 29.000 tỷ đồng.

Ngày 18/6, UBND hai tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo phương thức PPP với tổng mức đầu tư hơn 29.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Đắk Lắk nối Phú Yên bằng đường QL29 nhỏ hẹp

Tờ trình đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, đoạn từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến quốc lộ 14 theo phương thức PPP (hợp đồng BOT có sự tham gia vốn Nhà nước).

Dự án có tổng chiều dự kiến khoảng 122km. Trong đó, điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông; điểm cuối giao với quốc lộ 14; quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75m; tốc độ thiết kế 100km/h.

Trên tuyến cao tốc được bố trí đầy đủ các nút giao liên thông theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc nhằm kết nối các trung tâm kinh tế chính trị, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các hành lang kinh tế, mở ra không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Theo tính toán sơ bộ, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 29.655 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng). Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.366 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 20.895 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác là 1.672 tỷ đồng; chi phí dự phòng là 3.722 tỷ đồng.

Hai tỉnh kiến nghị thực hiện dự án từ năm 2025 đến năm 2029. Trong đó, công tác chuẩn bị đầu tư từ năm 2025-2026 và giai đoạn đầu tư xây dựng từ năm 2026-2029.

Theo đó, mục tiêu của việc đầu tư tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lăk, nhằm hình thành trục Đông - Tây kết nối vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ, kết nối hệ thống trục dọc (đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông, quốc lộ 1, đường bộ ven biển.

Đồng thời, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư, đáp ứng nhu cầu vận tải; tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, cảng cạn, cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp, kết nối các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây mở ra không gian phát triển mới.

Hai địa phương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét ưu tiên đầu tư tuyến đường với tiến trình đầu tư trước năm 2030, theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.

Bình luận