Đáng chú ý, chỉ thị này đặt ra lộ trình cụ thể cho Hà Nội trong việc hạn chế và tiến tới cấm các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch tại khu vực nội đô, nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Theo chỉ thị, từ ngày 1/7/2026, các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội sẽ không được phép sử dụng xe máy, xe gắn máy dùng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong khu vực Vành đai 1.
Lộ trình này sẽ tiếp tục mở rộng: từ ngày 1/1/2028, không có xe mô tô, xe gắn máy và hạn chế ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 và Vành đai 2. Từ năm 2030, quy định này sẽ tiếp tục được mở rộng ra khu vực Vành đai 3.
Quy định này đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là về phạm vi của các tuyến vành đai được nhắc đến.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội có 7 tuyến vành đai, trong đó có 5 tuyến chính (1, 2, 3, 4, 5) và 2 tuyến hỗ trợ (vành đai 2,5 và 3,5).
Vành đai 1 được xác định là tuyến đường huyết mạch, trục chính đô thị, kết nối các phường trung tâm và đáp ứng nhu cầu di chuyển trong thành phố. Tuyến đường này đi qua khu vực trung tâm của Hà Nội, bao gồm các phố: Trần Khát Chân (ngã ba Trần Khát Chân-Nguyễn Khoái) - Đại Cồ Việt - Xã Đàn - Ô Chợ Dừa - Đê La Thành - Hoàng Cầu - Đê La Thành - Cầu Giấy - đường Bưởi - Lạc Long Quân - Âu Cơ - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Nhật Duật - Trần Quang Khải - Trần Khánh Dư - Nguyễn Khoái - Trần Khát Chân.
Vành đai 1 không chỉ là một tuyến giao thông quan trọng mà còn gắn liền với việc bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử khi đi qua các khu vực biểu tượng như phố cổ Hà Nội.
Hiện tại, dự án Vành đai 1 vẫn chưa được khép kín hoàn chỉnh, do đoạn từ Hoàng Cầu đến Voi Phục dài hơn 2,2km đang trong quá trình thi công.
Đoạn này có mặt cắt ngang 50m, điểm đầu giao với đường Cát Linh-La Thành-Yên Lãng tại Hoàng Cầu và điểm cuối tại nút giao Voi Phục. Khi đoạn tuyến này hoàn thành, Vành đai 1 sẽ là vành đai đầu tiên của Hà Nội được khép kín.
Dự án này cũng bao gồm việc mở rộng qua các phường Ô Chợ Dừa, Láng Hạ, Cát Linh, và Láng Thượng, đồng thời đi qua hai cầu vượt tại các nút giao Giảng Võ-Láng Hạ và Nguyễn Chí Thanh.
Đặc biệt, khu vực giữa vỉa hè phía Nam Đê La Thành (đoạn Hoàng Cầu đến Láng Hạ) dự kiến sẽ được quy hoạch thành bãi đỗ xe rộng 6.083m2, kết hợp với không gian cây xanh.