Giá vàng trong nước lập kỷ lục mới, vượt 121 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước sáng 13/7 tiếp tục tăng mạnh, thiết lập mức giá cao nhất từ trước đến nay khi vượt mốc 121 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, giá vàng thế giới giữ ở ngưỡng hơn 3.350 USD/ounce, tạo ra mức chênh lệch rất lớn so với thị trường nội địa.

Tại thị trường trong nước, vào lúc 9h sáng, các thương hiệu lớn như SJC, DOJI, PNJ và Bảo Tín Minh Châu đồng loạt điều chỉnh tăng giá vàng miếng thêm 500.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua. Giá mua vào phổ biến từ 119,5 triệu đồng/lượng và giá bán ra ở mức cao nhất 121,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá mua vào thấp hơn mặt bằng chung khoảng 700.000 đồng/lượng, ở mức 118,8 triệu đồng/lượng nhưng giá bán vẫn giữ ở mức 121,5 triệu đồng/lượng.

_DSC8663_voh
Ảnh minh họa K.H

Giá vàng nhẫn bốn số chín cũng tăng mạnh, chạm mốc bán ra cao nhất 119,2 triệu đồng/lượng. Cụ thể, SJC đang mua vào ở mức 115 triệu đồng/lượng và bán ra 117,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi chiều. Tập đoàn DOJI giao dịch vàng nhẫn ở mức 116 - 119 triệu đồng/lượng. Phú Quý và Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh tăng tương ứng với mức tăng của vàng miếng.

Giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới vào sáng 13/7 đi ngang so với phiên trước, giao dịch quanh mức 3.356 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, tương đương 106,7 triệu đồng/lượng (chưa thuế, phí). Như vậy, giá vàng miếng SJC trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 14,8 triệu đồng/lượng.

Dù giữ vai trò là kênh trú ẩn an toàn giữa bối cảnh bất ổn địa chính trị và căng thẳng thương mại, đà tăng của vàng thế giới có dấu hiệu chững lại khi nhà đầu tư bắt đầu chuyển sự chú ý sang các mặt hàng kim loại công nghiệp như đồng và bạc, vốn cũng đang tăng giá mạnh.

Theo các chuyên gia phân tích của Kitco và Reuters, giá vàng thế giới kết thúc tuần trong vùng tăng giá khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế mới với nhiều đối tác thương mại, tạo tâm lý lo ngại và đẩy nhu cầu trú ẩn vào vàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lưu ý, giá vàng khó có thể vượt xa mốc 3.400 USD/ounce trong ngắn hạn khi đồng USD vẫn đang mạnh lên và lợi suất trái phiếu Mỹ duy trì ở mức cao. Đồng thời, giá đồng và bạc tăng mạnh cũng làm giảm sức hút của vàng trên thị trường hàng hóa.

Theo dự báo của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn và khả năng Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối năm, giá vàng vẫn giữ được xu hướng tăng nhưng sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ các loại tài sản khác.

Ông Aakash Doshi, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại State Street Global Advisors, nhận định giá vàng có thể dao động trong biên độ 3.100 - 3.500 USD/ounce trong thời gian tới. Ông cho rằng sau nhịp tăng mạnh nửa đầu năm, thị trường vàng đang bước vào giai đoạn tích lũy và khó có khả năng thiết lập đỉnh mới trong ngắn hạn.

Diễn biến giá vàng trong nước và thế giới tuần tới dự kiến tiếp tục bám sát các dữ liệu kinh tế Mỹ, đặc biệt là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6. Đây sẽ là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến quyết định chính sách tiền tệ của Fed và hướng đi tiếp theo của giá vàng toàn cầu.

Bình luận