Giá vàng ngày 22/6: Trong nước bật tăng, thế giới đi ngang

VOH - Sáng 22-6, giá vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh tăng ở cả vàng miếng và vàng nhẫn, trong khi giá vàng thế giới đi ngang quanh ngưỡng 3.367 USD/ounce.

Thị trường kim loại quý đang bị chi phối bởi những bất ổn địa chính trị và kỳ vọng về chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Giá vàng trong nước bật tăng

Ghi nhận lúc 4h30 sáng, giá vàng miếng SJC được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn, Bảo Tín Minh Châu, DOJI và PNJ đồng loạt niêm yết ở mức 117,7 – 119,7 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 300.000 đồng mỗi lượng so với phiên trước.

Phú Quý cũng điều chỉnh giá vàng miếng lên mức 117 – 119,7 triệu đồng/lượng, tăng tương tự. Riêng tại Công ty Vàng bạc đá quý Mi Hồng, giá mua vào đạt 118,7 triệu đồng/lượng, bán ra 119,7 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng ở chiều mua và 300.000 đồng ở chiều bán.

_DSC8688_voh
Ảnh minh họa: K.H

Ở phân khúc vàng nhẫn, giá cũng tăng từ 200.000 đến 500.000 đồng/lượng tùy thương hiệu. Tập đoàn DOJI niêm yết vàng nhẫn ở mức 114,5 – 116,5 triệu đồng/lượng, tăng 500.000 đồng mỗi lượng. SJC niêm yết ở mức 113,7 – 116,2 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng. Các doanh nghiệp khác như PNJ, Bảo Tín Minh Châu và Phú Quý điều chỉnh tăng tương tự, dao động từ 113,5 đến 117,5 triệu đồng/lượng.

Vàng thế giới đi ngang, nhà đầu tư dè chừng

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện neo quanh mốc 3.367 – 3.369 USD/ounce, giảm nhẹ 0,13% so với phiên trước và duy trì mức thấp hơn khoảng 12,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước (theo tỷ giá Vietcombank, chưa tính thuế phí).

Trong tuần qua, giá vàng thế giới chịu sức ép từ hoạt động chốt lời khi giá không thể giữ vững mốc 3.400 USD/ounce — mức cao nhất trong ba tháng gần đây. Diễn biến này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng trước bối cảnh địa chính trị phức tạp và định hướng chính sách tiền tệ chưa rõ ràng từ Fed.

Christopher Vecchio, Trưởng phòng Tương lai và Ngoại hối tại Tastylive.com, nhận định vàng vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn. Tuy nhiên, việc quá nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào vàng và đồng thời bán mạnh USD đang tạo ra lực cản nhất định. “Dù vàng có nhiều yếu tố hỗ trợ, nhưng việc chưa thể vượt mốc 3.400 USD/ounce là dấu hiệu cần lưu ý. Tôi cho rằng giá có thể điều chỉnh nhẹ đến cuối tháng khi thị trường tái cơ cấu danh mục”, ông nói.

Fawad Razaqzada, nhà phân tích của City Index và FOREX.com, cũng cho rằng dù giá vàng có thể giảm ngắn hạn, đây chưa phải thời điểm thích hợp để bán khống. Theo ông, mức hỗ trợ hiện tại là 3.350 USD/ounce, nếu thủng mốc này, giá có thể về vùng 3.300 USD. Ngược lại, mốc 3.400 USD vẫn là ngưỡng cản quan trọng cho chiều tăng.

Bên cạnh yếu tố thị trường, căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục phủ bóng lên giá vàng. Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đưa ra thời hạn hai tuần để Iran đạt thỏa thuận hạt nhân. Dù vậy, giới phân tích cảnh báo rủi ro xung đột và nguy cơ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng dầu mỏ toàn cầu vẫn hiện hữu.

Chính sách tiền tệ từ Fed cũng đang là biến số quan trọng. Trong cuộc họp mới nhất, Fed giữ nguyên lãi suất và phát tín hiệu thận trọng. Giới đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ buộc phải cắt giảm lãi suất trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát còn dai dẳng.

Dự kiến trong tuần tới, bài phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trước Quốc hội Mỹ sẽ được theo dõi sát sao, bởi đây có thể là yếu tố tạo sóng mới cho thị trường vàng.

Bình luận