Anh Ding Yuanzhao, 39 tuổi, quê Phúc Kiến, từng là học sinh xuất sắc khi đạt gần 700/750 điểm trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia Trung Quốc năm 2004, và trúng tuyển vào ngành Hóa học tại Đại học Thanh Hoa danh tiếng.
Sau khi tốt nghiệp, anh tiếp tục lấy bằng thạc sĩ Kỹ thuật năng lượng tại Đại học Bắc Kinh, rồi sang Singapore để hoàn thành chương trình tiến sĩ Sinh học tại Đại học Công nghệ Nanyang - một trong những cơ sở đào tạo hàng đầu ở đảo quốc này. Không dừng lại ở đó, anh còn theo học và nhận bằng thạc sĩ về đa dạng sinh học tại Đại học Oxford (Anh).
Dù có hồ sơ học thuật ấn tượng và từng làm nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Ding không tìm được công việc phù hợp sau khi hợp đồng nghiên cứu kết thúc.
Anh cho biết đã tham gia hơn 10 vòng phỏng vấn nhưng đều không thành. Không còn lựa chọn, anh chuyển sang làm nhân viên giao đồ ăn tại Singapore, làm việc khoảng 10 tiếng mỗi ngày với thu nhập khoảng 550 USD/tuần.

Khi trở về Trung Quốc, Ding tiếp tục công việc này vì thị trường lao động trong nước cũng không dễ thở.
“Đây là công việc ổn định, tôi có thể nuôi sống gia đình và giữ được sức khỏe,” Ding chia sẻ trên mạng xã hội, cho rằng việc làm shipper không hề đáng xấu hổ.
Trường hợp của Ding phản ánh thực trạng ngày càng phổ biến, đó là bằng cấp cao không còn đảm bảo cho một công việc như kỳ vọng.
Câu chuyện của Ding phản ánh thực trạng ngày càng phổ biến, đó là bằng cấp cao không còn đảm bảo cho một công việc như kỳ vọng. Nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu hệ thống giáo dục có đang quá chú trọng vào bằng cấp mà chưa đáp ứng được nhu cầu linh hoạt, thực tế của thị trường lao động hiện đại?
Song ở góc nhìn khác, không ít người đã bày tỏ sự ủng hộ Ding Yuanzhao. Một cư dân mạng viết: “Không có gì sai với quyết định của anh ấy. Ít nhất, anh ấy không gục ngã khi cuộc sống rơi vào giai đoạn khó khăn.”

Trong bối cảnh hơn 13 triệu học sinh Trung Quốc tham dự kỳ thi đại học khắc nghiệt (gaokao) mỗi năm và thị trường việc làm ngày càng áp lực, với tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị lên tới 14,9% (chưa tính sinh viên) - theo số liệu tháng 5/2025, thì câu chuyện của Ding mang đến một góc nhìn khác: Bằng cấp là nền tảng, nhưng sự kiên cường và thích nghi mới là chìa khóa để tồn tại và tiến lên.
Ding không từ bỏ, cũng không giấu giếm lựa chọn của mình. Thay vào đó, anh biến một công việc phổ thông thành cơ hội để làm chủ cuộc sống, nuôi dưỡng gia đình và giữ gìn sức khỏe.
Đó là thông điệp tích cực dành cho nhiều bạn trẻ đang loay hoay giữa kỳ vọng và thực tế, rằng phẩm giá không nằm ở vị trí xã hội, mà ở thái độ sống và nghị lực đối mặt với thử thách.