Theo báo cáo của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), các nguồn tiếng ồn từ ô tô, tàu hỏa và máy bay ảnh hưởng tới 20% dân số Khu vực Kinh tế châu Âu.
Một nghiên cứu riêng biệt sử dụng tiêu chuẩn thấp hơn đối với ô nhiễm tiếng ồn cho thấy có tới 40% dân số Vương quốc Anh tiếp xúc với tiếng ồn giao thông ở mức gây hại.

Ước tính có khoảng 17 triệu người thường xuyên phải chịu đựng mức tiếng ồn cao và kéo dài, gần 5 triệu người bị rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, và 15 triệu trẻ em đang sinh sống tại các khu vực bị ô nhiễm tiếng ồn.
Các phân tích chỉ ra rằng tác động tiêu cực từ tiếng ồn còn nghiêm trọng hơn so với các rủi ro đã được biết đến như hút thuốc lá thụ động hay nhiễm độc chì, gây ra tổn thất kinh tế gần 100 tỷ euro mỗi năm.
Một số nhà nghiên cứu cho rằng con số này có thể vẫn là thấp so với thực tế, bởi khi sử dụng ngưỡng nghiêm ngặt hơn của Tổ chức Y tế Thế giới, số người bị ảnh hưởng có thể lên tới 150 triệu người.
Dù Liên minh châu Âu đặt mục tiêu giảm 30% số người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn giao thông vào năm 2030, các chuyên gia cảnh báo rằng mục tiêu này khó có thể đạt được nếu không có những hành động quyết liệt.
Tiến sĩ Eulalia Peris từ EEA nhận định: “Ô nhiễm tiếng ồn khiến cơ thể con người luôn ở trạng thái chiến đấu hoặc bỏ chạy, ngay cả khi chúng ta không ý thức được điều đó. Về lâu dài, tình trạng này gây viêm, căng thẳng oxy hóa và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tiểu đường, đột quỵ, béo phì, rối loạn tâm thần và suy giảm nhận thức ở trẻ em”.
Báo cáo được xây dựng dựa trên dữ liệu từ các quốc gia thành viên EEA, trong đó tiếng ồn giao thông là hình thức ô nhiễm phổ biến và nghiêm trọng nhất. Dù tiếng ồn từ hàng xóm hoặc quán bar cũng có thể gây hại, nhưng khó định lượng do tính chất không liên tục.
Cụ thể, 92 triệu người bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ đường bộ, 18 triệu từ đường sắt và 2,6 triệu từ máy bay. Dựa trên các nghiên cứu, báo cáo ước tính mỗi năm có khoảng 66.000 ca tử vong sớm liên quan đến tiếng ồn, cùng 50.000 trường hợp mắc bệnh tim mạch và 22.000 trường hợp mắc bệnh tiểu đường type 2.
Tuy số người bị ảnh hưởng chỉ giảm 3% trong giai đoạn 2017–2022, các chuyên gia cho rằng, vẫn có nhiều biện pháp khả thi: giảm giới hạn tốc độ trong khu vực đô thị, tăng cường sử dụng lốp xe ít tiếng ồn, khuyến khích giao thông công cộng, đi bộ và đạp xe.
Ngoài ra, dù xe điện đang được kỳ vọng giảm thiểu tiếng ồn, giới nghiên cứu cảnh báo rằng phần lớn tiếng ồn ở tốc độ thấp đến từ sự tiếp xúc giữa lốp xe và mặt đường chứ không phải từ động cơ. Một số phương tiện gây tiếng ồn vượt trội cũng chiếm phần đáng kể trong tổng mức ô nhiễm.
Giải pháp cho tiếng ồn đường sắt bao gồm cải thiện bảo trì đường ray và phương tiện; với hàng không, có thể tối ưu hóa lộ trình cất – hạ cánh và sử dụng máy bay ít tiếng ồn hơn.
Theo bà Leena Ylä-Mononen, Giám đốc điều hành EEA, ô nhiễm tiếng ồn thường bị xem nhẹ và chỉ coi là phiền toái, bởi tính chất âm ỉ, kéo dài, không giống như ô nhiễm không khí vốn gây chú ý vì các đợt đỉnh cao.
“Tuy nhiên, những ảnh hưởng lâu dài của tiếng ồn đối với sức khỏe và môi trường là rất đáng kể. Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương và đây là vấn đề mà tất cả các quốc gia cần phải nhanh chóng hành động”, bà nhấn mạnh.