Tuyến đường mòn được sử dụng phổ biến nhất nằm ở tỉnh Yamanashi lân cận, đã mở cửa vào ngày 1/7. Cả hai tỉnh đều đã đưa ra các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng "leo núi nhanh" qua đêm, tức là cố gắng leo lên đỉnh núi cao 3.776 mét, ngọn núi cao nhất Nhật Bản - mà không ngủ trong túp lều ven đường.
Tuyến đường mòn Yoshida ở phía Yamanashi, cũng như các tuyến đường mòn Fujinomiya, Gotemba và Subashiri ở phía Shizuoka dự kiến sẽ vẫn mở cửa đến hết ngày 10/9.

Từ mùa leo núi này, tỉnh Shizuoka bắt đầu thu phí vào cửa và hạn chế quyền vào 3 tuyến đường mòn từ 2 giờ chiều đến 3 giờ sáng, trong khi tỉnh Yamanashi đã tăng gấp đôi mức phí từ 2.000 yên của năm trước để giảm tình trạng quá tải và tác động đến môi trường.
Không giống như đường mòn Yoshida, giới hạn số lượng người leo núi ở mức 4.000 người mỗi ngày, các đường mòn ở phía Shizuoka không giới hạn số lượng.
Những người đi bộ đường dài có kế hoạch sử dụng 3 con đường mòn ở phía Shizuoka phải tham gia một khóa học về quy tắc và nghi thức leo núi và vượt qua bài kiểm tra trực tiếp hoặc trên ứng dụng điện thoại thông minh.
Những người không đặt chỗ qua đêm tại các túp lều trên núi sẽ không được phép đi qua cổng ở trạm thứ 5 của tuyến đường.
Núi Phú Sĩ, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 2013, thu hút hàng trăm nghìn người leo núi mỗi năm.