Hàn Quốc: Ngành điều trị vô sinh bùng nổ giữa khủng hoảng dân số

Trong bối cảnh Hàn Quốc tiếp tục giữ vị trí quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, nhu cầu điều trị hiếm muộn tại nước này lại tăng vọt.

Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc, tỷ lệ sinh tại nước này năm 2023 chỉ đạt 0,72 trẻ/phụ nữ — mức thấp nhất toàn cầu. Sang năm 2024, con số này nhích nhẹ lên 0,75 nhưng vẫn ở mức báo động so với mức trung bình 2,2 của thế giới.

Trong khi tỷ lệ sinh giảm, số lượng người tìm đến các phòng khám điều trị vô sinh lại tăng mạnh. Từ năm 2018 đến 2022, số ca điều trị hiếm muộn tại Hàn Quốc tăng gần 50%, đạt khoảng 200.000 ca mỗi năm. Riêng tại thủ đô Seoul, cứ 6 đứa trẻ chào đời thì có một bé nhờ vào các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Sự gia tăng nhu cầu này được thúc đẩy từ thay đổi trong nhận thức của người trẻ Hàn Quốc. Nếu trước đây, nhiều người xem việc sinh con là “ý trời” thì giờ, họ chủ động hơn trong việc lên kế hoạch cho cuộc sống và gia đình. Giáo sư Sarah Harper, chuyên ngành Lão học tại Đại học Oxford, nhận định: “Thế hệ trẻ Hàn Quốc quen với việc kiểm soát tương lai của chính mình, không để số phận quyết định”.

ty le sinh han quoc_voh
Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc năm 2023 chạm mức thấp kỷ lục 0,72 trẻ/phụ nữ, thấp nhất toàn cầu, và chỉ nhích lên 0,75 vào năm 2024. - Ảnh: Yonhap.

Điều này mở ra tiềm năng phát triển lớn cho ngành điều trị hiếm muộn, được dự báo có thể đạt giá trị hơn 2 tỉ USD vào năm 2030. Tuy nhiên, đằng sau con số ấy là vô vàn câu chuyện vừa hy vọng vừa trăn trở của những người trong cuộc.

Kim Mi-ae, 36 tuổi, đang sinh sống tại Seoul, chia sẻ cô phải đợi hơn 3 tiếng dù đã đặt lịch trước để thăm khám IVF vào đầu năm nay. Cô từng mất nhiều năm chuẩn bị tài chính mới dám tính chuyện sinh con. “Mỗi tháng chi hơn 2 triệu won, chưa kể thực phẩm chức năng, xét nghiệm không được hỗ trợ. Mọi thứ đều rất tốn kém và căng thẳng”, Mi-ae kể.

Không ít người phải trải qua nhiều chu kỳ IVF mà vẫn chưa có kết quả. Jang Sae-ryeon, 37 tuổi, đã thực hiện 5 lần IVF, tiêu tốn hơn 1,5 triệu won mỗi lần nhưng đều thất bại. “Tôi ước gì mọi chuyện suôn sẻ ngay từ lần đầu, nhưng thực tế rất phũ phàng. Nếu không có tiền thì đơn giản là không thể có con”, cô nghẹn ngào.

Tài chính không phải rào cản duy nhất. Giờ làm việc kéo dài, chi phí giáo dục cao và áp lực xã hội đè nặng khiến nhiều người trẻ Hàn Quốc ngần ngại với chuyện sinh con. Một khảo sát của Liên Hiệp Quốc cho thấy hơn một nửa phụ nữ Hàn Quốc muốn có con nhưng không đủ điều kiện kinh tế.

Ngay cả những người đã lập gia đình, việc dung hòa giữa điều trị hiếm muộn và công việc cũng vô cùng khó khăn. Mi-ae từng phải hoàn thành quá trình IVF cho đứa con đầu lòng mà không được nghỉ phép. Còn Sae-ryeon phải nghỉ việc vì cấp trên yêu cầu hoãn điều trị để đảm bảo tiến độ công việc.

Dù khó khăn, nhiều người phụ nữ như Sae-ryeon vẫn không từ bỏ giấc mơ làm mẹ. Cô cho biết: “Tôi từng hai lần sẩy thai, nhưng cảm giác được ôm một đứa trẻ có nét giống cả hai vợ chồng và cùng nhau nuôi dạy con là thứ hạnh phúc mà tôi luôn khao khát”.

Chính phủ Hàn Quốc đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ điều trị vô sinh, như trợ cấp chi phí đông lạnh trứng, thụ tinh nhân tạo và IVF. Tuy nhiên, với chi phí thực tế cao và tỷ lệ thành công dưới 50%, hành trình tìm kiếm một đứa trẻ vẫn là chặng đường dài và đầy thử thách đối với nhiều cặp đôi tại quốc gia này.

Bình luận