Tại tọa đàm "Gỡ nút thắt, ngăn trục lợi chính sách nhà ở xã hội", đại diện Bộ Xây dựng đã nêu rõ nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.
Ông Hà Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) – cho biết, theo quy định hiện hành, giá bán nhà ở xã hội được phép tính đầy đủ các yếu tố hình thành giá thành. Do đó, giữa các dự án khác nhau, mức giá sẽ có sự khác biệt đáng kể.
Một trong những nguyên nhân chính khiến giá nhà ở xã hội cao là chi phí giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư, cùng với đầu tư hạ tầng kỹ thuật – xã hội đi kèm. Dù Nhà nước miễn tiền sử dụng đất, nhưng nếu không có sẵn quỹ đất sạch, chủ đầu tư vẫn phải tự bỏ chi phí để giải phóng mặt bằng. Những khoản này sẽ được tính vào giá bán, khiến giá cao hơn so với những dự án được bàn giao đất sạch từ đầu.

Ngoài ra, các khoản chi phí quản lý, vận hành dự án, chi phí tài chính, lãi vay ngân hàng và biến động giá vật liệu xây dựng – đặc biệt là trong giai đoạn thị trường biến động mạnh – cũng là yếu tố khiến giá nhà tăng. Một số loại vật tư, vật liệu thậm chí tăng gấp đôi so với trước, trong khi chi phí nhân công và thời gian kéo dài thực hiện dự án làm tăng tổng chi phí đầu tư.
Ông Hưng cũng chỉ ra rằng, có những trường hợp giá bán nhà ở xã hội chưa đúng quy định. Ví dụ như việc phân bổ lợi nhuận giữa khu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội không hợp lý, hoặc tỷ lệ lợi nhuận định mức vượt quá mức 10% theo quy định. Ngoài ra, việc thẩm định giá bán nhà ở xã hội tại các địa phương còn thiếu nhất quán, chậm trễ trong phê duyệt gây ảnh hưởng đến tiến độ bán hàng.
Theo quy trình hiện nay, sau khi hoàn tất dự án, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ thẩm định giá bán cho Sở Xây dựng hoặc Sở Tài chính để xem xét, trước khi được mở bán. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, thời gian phản hồi kéo dài vượt quá 60 ngày, thậm chí đến nửa năm, gây ách tắc dòng vốn của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, sau khi hoàn tất thẩm định và mở bán, các dự án còn phải thực hiện bước quyết toán giá. Nếu giá bán thực tế cao hơn giá quyết toán, chủ đầu tư phải hoàn trả phần chênh lệch cho người mua. Ngược lại, nếu bán thấp hơn, doanh nghiệp không được thu thêm. Điều này khiến các chủ đầu tư thận trọng, khó chủ động định giá, đồng thời tăng chi phí tuân thủ, kéo dài thời gian triển khai.
Để tháo gỡ khó khăn, trong Nghị quyết mới trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất giao cho chủ đầu tư chủ động tính toán giá theo quy định, nhưng bắt buộc phải thuê đơn vị tư vấn độc lập có năng lực thẩm định giá trước khi công bố. Sau khi hoàn tất dự án, nếu sử dụng vốn ngoài ngân sách, chủ đầu tư phải thuê kiểm toán độc lập; còn nếu dùng vốn nhà nước, sẽ do Kiểm toán Nhà nước kiểm tra. Kết quả sẽ gửi về Sở Xây dựng để đối chiếu và xác nhận tính đúng đắn.
Phó Cục trưởng Hà Quang Hưng nhấn mạnh: “Giá bán nhà ở xã hội hiện nay tuy đã tăng so với giai đoạn trước, nhưng so với giá nhà ở thương mại trên thị trường vẫn ở mức thấp đáng kể. Tuy nhiên, để giá nhà thực sự phù hợp với người dân có thu nhập thấp, cần tiếp tục rà soát thủ tục, tăng tính minh bạch và chủ động hỗ trợ quỹ đất sạch cho nhà đầu tư.”