Cụ thể, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tại nhiều doanh nghiệp trong nước ổn định trong khoảng 117,7 – 119,7 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào – bán ra. Tại Tập đoàn DOJI, giá vàng miếng được niêm yết ở mức 117,7 triệu đồng/lượng mua vào và 119,7 triệu đồng/lượng bán ra. Mức giá này cũng được ghi nhận tại Công ty SJC và Bảo Tín Minh Châu.
Tập đoàn Phú Quý có mức mua vào thấp hơn, ở 117 triệu đồng/lượng, song vẫn bán ra ở mức 119,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng nhẫn thương hiệu PNJ tại Hà Nội và TPHCM hiện được giao dịch ở mức 113,7 – 116,5 triệu đồng/lượng, không đổi so với ngày hôm qua.

So với một tháng trước (ngày 23/5), giá vàng miếng SJC giảm 800.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Từ mức mua vào 118,5 triệu đồng/lượng và bán ra 120,5 triệu đồng/lượng, giá hiện chỉ còn 117,7 triệu đồng/lượng mua vào và 119,7 triệu đồng/lượng bán ra. Tuy nhiên, nhìn chung, vàng trong nước vẫn duy trì ở ngưỡng cao.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng ghi nhận xu hướng giảm nhẹ trong phiên giao dịch châu Á ngày 23/6. Giá vàng giao ngay mất 0,2%, còn 3.360,11 USD/ounce, trong khi giá vàng tương lai giảm 0,3%, còn 3.374,72 USD/ounce (tính đến 12h08 theo giờ Hà Nội).
Nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới suy yếu là đồng USD tiếp tục mạnh lên, tăng hơn 0,3% so với rổ tiền tệ. Diễn biến này khiến vàng – vốn được định giá bằng USD – trở nên đắt đỏ hơn với các nhà đầu tư nắm giữ đồng tiền khác.
Dù vậy, giới chuyên gia nhận định vàng vẫn đang duy trì mức tăng đáng kể đạt được từ đầu tháng 6, khi căng thẳng quân sự giữa Israel và Iran bùng phát. Sự gia tăng rủi ro địa chính trị đã kích hoạt nhu cầu trú ẩn tài sản an toàn, giúp giá vàng giữ nền cao.
Liên quan đến diễn biến căng thẳng, Mỹ vừa tiến hành một loạt cuộc không kích nhắm vào ba cơ sở hạt nhân quan trọng của Iran cuối tuần qua. Tổng thống Donald Trump tuyên bố các cơ sở này đã bị “xóa sổ,” làm dấy lên lo ngại về phản ứng trả đũa từ Tehran.
Iran cảnh báo sẽ có hành động đáp trả mạnh mẽ, thậm chí có thể xem xét đóng cửa Eo biển Hormuz – tuyến vận tải năng lượng huyết mạch của thế giới. Tuyên bố này đã khiến giá dầu tăng vọt và làm dấy lên quan ngại về khả năng lạm phát toàn cầu quay trở lại, buộc các ngân hàng trung ương giữ lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Trong bối cảnh đó, đồng USD được xem là kênh trú ẩn tạm thời, hưởng lợi từ tâm lý lo ngại rủi ro và sự thận trọng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khi chưa cam kết rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.