Từ 1/7, bệnh nhân mạn tính được cấp thuốc ngoại trú dài ngày

Việc triển khai chính sách này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi lớn cho người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh già hóa dân số và sự gia tăng bệnh không lây nhiễm.

Từ ngày 1/7/2025, hàng triệu bệnh nhân mắc bệnh mạn tính sẽ không còn phải đến bệnh viện mỗi tháng để lấy thuốc như trước, mà có thể được cấp thuốc ngoại trú sử dụng trên 30 ngày, theo Thông tư mới vừa được Bộ Y tế ban hành ngày 30/6.

Theo đó, danh mục các bệnh được áp dụng cấp thuốc dài ngày bao gồm 16 nhóm bệnh, tổng cộng 252 bệnh cụ thể. Trong số này có nhiều bệnh mạn tính phổ biến như: tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, COPD, rối loạn lo âu, trầm cảm, viêm gan B mạn tính, HIV/AIDS, suy giáp, Parkinson, Alzheimer, sa sút trí tuệ, xơ cứng cột bên teo cơ (ALS), Thalassemia… và cả một số bệnh phụ khoa ở tuổi vị thành niên như rong kinh tuổi dậy thì.

Kham benh moi
Ảnh minh hoạ: TTO 

Đây được coi là một bước tiến lớn trong cải cách hành chính y tế, giúp người bệnh giảm thiểu chi phí, thời gian đi lại và giảm tải cho hệ thống y tế. Theo ông Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), chính sách mới này xuất phát từ nhu cầu thực tế của người bệnh, đặc biệt là người cao tuổi hoặc ở vùng sâu, vùng xa.

Trước đó, trong thời gian dịch COVID-19, Bộ Y tế từng áp dụng tạm thời việc kê đơn thuốc dài ngày để hạn chế tụ tập, và kết quả cho thấy hiệu quả điều trị vẫn đảm bảo. Từ thực tiễn này, Bộ đã phối hợp với hơn 20 bệnh viện tuyến cuối để xây dựng danh mục bệnh và thuốc phù hợp cho quy định mới.

Tuy nhiên, không phải cứ mắc bệnh nằm trong danh mục là sẽ được kê đơn dài ngày. Bác sĩ điều trị phải đánh giá tình trạng ổn định của bệnh, mức độ tuân thủ điều trị và khả năng theo dõi tại nhà trước khi quyết định cấp thuốc 30, 60 hay 90 ngày. Người kê đơn sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Thông tư cũng quy định rõ: nếu người bệnh chưa dùng hết thuốc nhưng xuất hiện triệu chứng bất thường, hoặc không thể tái khám đúng hẹn, cần quay lại cơ sở y tế để được điều chỉnh đơn thuốc.

“Kê đơn dài ngày chỉ áp dụng cho các bệnh đã có phác đồ điều trị rõ ràng, thuốc an toàn, không đòi hỏi theo dõi sát bằng xét nghiệm. Người bệnh cũng cần được hướng dẫn kỹ để phát hiện và xử lý các tác dụng phụ nếu có,” ông Dương nhấn mạnh.

 

 
Bình luận