Tổng Bí thư: Xây dựng hành lang kinh tế xuyên suốt từ đồng bằng đến miền núi

VOH - Sáng 10/6, tại Phú Thọ, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: Việc hợp nhất sẽ mở ra cơ hội phát triển hành lang kinh tế xuyên suốt từ đồng bằng – trung du – miền núi phía Bắc, tạo xung lực mới cho phát triển liên vùng.

Theo Tổng Bí thư, khi xóa bỏ ranh giới hành chính cứng giữa ba tỉnh liền kề, có thể tổ chức lại quy hoạch giao thông, công nghiệp, nông nghiệp, đô thị một cách tổng thể và đồng bộ. Điều này giúp kết nối trực tiếp Thủ đô Hà Nội với vùng Tây Bắc, tạo thuận lợi trong giao thương, du lịch và logistics, đồng thời hình thành chuỗi giá trị liên kết nội vùng hiệu quả.

TBT To Lam
Tổng Bí thư Tô Lâm 

Tổng Bí thư nêu rõ: mỗi tỉnh có thế mạnh riêng biệt. Vĩnh Phúc là trung tâm công nghiệp, logistics và đô thị hiện đại; Phú Thọ là đầu mối trung chuyển, dịch vụ tổng hợp, du lịch văn hóa và nông nghiệp đặc sản; còn Hòa Bình là vùng kinh tế xanh, sinh thái, phát triển thủy điện và du lịch nghỉ dưỡng. Khi sáp nhập, ba vùng sẽ bổ trợ cho nhau, tạo cơ cấu kinh tế cân đối, giảm chênh lệch và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực.

Tính đến nay, ba tỉnh đã thực hiện sáp nhập giảm từ 479 xuống còn 148 đơn vị hành chính cấp xã, đạt tỷ lệ 69,1%. Tỷ lệ người dân đồng thuận với phương án sắp xếp đạt trên 95%, cho thấy sự ủng hộ cao của nhân dân với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.

Tổng Bí thư yêu cầu trong thời gian tới, tỉnh mới cần khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tổng thể đến năm 2030, tầm nhìn 2050; tổ chức lại không gian đô thị theo mô hình đa trung tâm với các cực phát triển như Vĩnh Yên – Việt Trì – Hòa Bình; đẩy mạnh phát triển khoa học – công nghệ, chuyển đổi số, kinh tế xanh và kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần chuẩn bị tốt cho đại hội đảng bộ tỉnh hợp nhất và các cấp trực thuộc, xác định rõ tầm nhìn phát triển mới gắn với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết và kỷ cương.

Ông cũng lưu ý quá trình sáp nhập cần bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời, tỉnh mới cần chủ động đề xuất với Trung ương các cơ chế đặc thù về hạ tầng, ngân sách, nhân lực, văn hóa… để khai thác hiệu quả tiềm năng vùng đất rộng lớn, đa dạng và giàu bản sắc này.

Tổng Bí thư khẳng định: Việc hợp nhất ba tỉnh là bước chuyển chiến lược mang tính định hình tương lai cho toàn vùng trung du – miền núi Bắc Bộ. Đây là thời điểm đặc biệt để tạo đột phá, củng cố nền tảng phát triển lâu dài và bền vững.

 
Bình luận