Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với lãnh đạo địa phương tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề quy hoạch được ông đặc biệt quan tâm.
Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến trao đổi tại buổi làm việc, phát biểu kết luận, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chủ trương sáp nhập ba tỉnh để hình thành tỉnh Lâm Đồng (mới) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị, quản lý, tổ chức lại không gian phát triển theo hướng mở rộng, gắn kết, bền vững, phát huy lợi thế theo quy mô và tối ưu hóa nguồn lực.
Khi hợp nhất, ba tỉnh sẽ tạo thành một thực thể kinh tế-hành chính lớn mạnh hơn, với diện tích lớn nhất cả nước, đầu tư công tăng lên đáng kể, đủ sức đề xuất cơ chế đặc thù, thu hút các nguồn lực chiến lược và dẫn dắt phát triển vùng.

Tổng Bí thư chỉ rõ Lâm Đồng là trung tâm nông nghiệp công nghệ cao. Đắk Nông có thế mạnh về khoáng sản và quỹ đất phát triển công nghiệp. Bình Thuận giữ vai trò đầu mối kết nối ra biển với lợi thế về năng lượng tái tạo và logistics ven biển.
Sự liên kết cao nguyên-trung du-duyên hải giúp hình thành chuỗi giá trị liên ngành, chuỗi đô thị liên kết, vùng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa đặc sắc, tạo nên không gian phát triển liên thông, hiệu quả và bền vững hơn.
Việc hợp nhất là cơ hội để tái cấu trúc toàn diện mô hình phát triển vùng, phân bổ lại dân cư, hạ tầng, nguồn lực đầu tư theo định hướng chiến lược mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên phát triển mới.
Để thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Tổng Bí thư đề nghị khẩn trương hoàn thành việc hợp nhất tổ chức bộ máy gắn với tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phải thực hiện nghiêm nguyên tắc một đầu mối xuyên suốt, tinh giản đầu mối, giảm tầng nấc trung gian, không làm gián đoạn công việc, không gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Việc sáp nhập các cơ quan, tổ chức phải được tiến hành khoa học, minh bạch, công khai, khách quan; phải lấy phẩm chất, năng lực, uy tín, hiệu quả làm việc làm thước đo cao nhất trong bố trí cán bộ; không để tâm lý cục bộ địa phương, bè phái hay lợi ích nhóm làm ảnh hưởng tới sự trong sáng và đoàn kết nội bộ.
Tổng Bí thư yêu cầu cần quan tâm chế độ, chính sách cho cán bộ trong diện tinh giản, nghỉ chế độ, luân chuyển công tác. Mọi việc phải làm trên tinh thần nhân văn, trách nhiệm, thấu đáo, đúng quy định.
Những người được giao trọng trách mới phải được tạo điều kiện về nhà ở công vụ, trường học cho con em, điều kiện sinh hoạt thiết yếu để yên tâm công tác, cống hiến lâu dài.
“Vì là tỉnh rộng nhất cả nước, cả vùng núi, trung du và duyên hải, nên phải tính toán thật kỹ lưỡng việc bố trí trụ sở làm việc; điều kiện sinh hoạt cho số cán bộ được chuyển về nơi làm việc mới. Điều này rất cần được quan tâm vì “an cư mới lạc nghiệp,” Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Sau khi hợp nhất, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh Lâm Đồng mới khẩn trương xây dựng lại quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn mới, dựa trên một cấu trúc không gian mở, kết nối ba vùng sinh thái: cao nguyên-trung du-duyên hải, tạo nên một chỉnh thể phát triển thống nhất, đồng bộ và có khả năng lan tỏa mạnh.
Các trung tâm đô thị, khu công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, hệ thống cảng biển, sân bay, logistics, hạ tầng số và hành lang sinh thái phải được quy hoạch tích hợp, vận hành thông minh và gắn bó chặt chẽ; cần hình thành trục phát triển chiến lược Đông-Tây kết nối Tây Nguyên, duyên hải...
Tổng Bí thư chỉ rõ những lợi thế lớn của tỉnh Lâm Đồng mới về cơ cấu kinh tế đa dạng, tiềm lực khoáng sản và tài nguyên gió, năng lượng mặt trời dồi dào, nông sản chủ lực đứng đầu cả nước, cùng hệ sinh thái du lịch độc đáo từ cao nguyên đến biển, sẽ là nền tảng để phát triển mô hình kinh tế xanh-kinh tế tuần hoàn-kinh tế số-kinh tế tri thức.
Tỉnh phát triển nhanh nhưng phải bền vững, phải kiên định với định hướng phát triển xanh, trong đó rừng đầu nguồn Tây Nguyên, lưu vực sông La Ngà, sông Cái, sông Lũy và vùng biển Bình Thuận cần được bảo vệ nghiêm ngặt như những lá chắn sinh thái cho cả khu vực Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Nhấn mạnh con người là trung tâm và chủ thể của mọi chiến lược, Tổng Bí thư gợi mở phải khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng của người dân; đầu tư toàn diện cho văn hóa, giáo dục, y tế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, logistics và chuyển đổi số.
Đồng thời, tỉnh Lâm Đồng mới bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số, xây dựng môi trường khuyến khích sáng tạo, học tập, tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội.
Tổng Bí thư lưu ý giữ vững quốc phòng, an ninh và tạo sự đồng thuận xã hội sâu rộng, xem đây là nền tảng cho thành công trong toàn bộ quá trình hợp nhất và phát triển. Các địa phương không để xảy ra khoảng trống quản lý, điểm nóng xã hội hay suy giảm hiệu lực điều hành.
Về các kiến nghị, đề xuất của 3 tỉnh, Tổng Bí thư ghi nhận và giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, gửi đến các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét khẩn trương giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật và trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho địa phương.
Lâm Đồng báo cáo sân bay Liên Khương dự kiến đóng cửa 6 tháng từ tháng 11/2025 để nâng cấp, sửa đường băng và đường lăn sau 18 năm hoạt động kể từ lần nâng cấp gần nhất. Tỉnh Lâm Đồng cho biết đây là việc cần thiết nhưng sẽ ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, đặc biệt là du lịch.
Tổng Bí thư yêu cầu tính toán kỹ, đảm bảo hoạt động địa phương thông suốt. "Sân bay đóng 6 tháng, đường bộ chưa thông, thì làm sao phát triển hai con số? Đà Lạt phải kết nối chặt với Hà Nội, TPHCM bằng đường hàng không", ông lưu ý.