Tổng Bí thư Tô Lâm, cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tới dự.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 01/07/1915 tại xã Giai Phạm, huyện Mỹ Văn (nay là xã Nguyễn Văn Linh), tỉnh Hưng Yên. Ngay từ khi còn trẻ, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tham gia phong trào học sinh từ năm 14 tuổi. Năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt khi chưa đến tuổi thành niên, kết án tù chung thân và đày ra Côn Đảo.
Sau khi được trả tự do, đồng chí tiếp tục hoạt động cách mạng sôi nổi ở cả miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Linh giữ nhiều trọng trách quan trọng như Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Gia Định, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Bí thư Trung ương Cục miền Nam…
Sau ngày đất nước thống nhất, đồng chí là Ủy viên Bộ Chính trị, giữ nhiều chức vụ then chốt như Trưởng Ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP.HCM, Thường trực Ban Bí thư. Tại Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư, là người khởi xướng và dẫn dắt công cuộc đổi mới, tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử hiện đại của Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, cuộc đời cách mạng gần 70 năm của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là tấm gương sáng về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, tinh thần đổi mới, phẩm chất cần kiệm liêm chính, đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, chính tinh thần quyết liệt, dũng cảm của đồng chí Nguyễn Văn Linh – thể hiện rõ nét qua loạt bài báo nổi tiếng “Những việc cần làm ngay” – đã mở đường cho công cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế, chuyển đổi từ mô hình bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước hôm nay.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đến dâng hoa, dâng hương tại Nhà lưu niệm và Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại tỉnh Hưng Yên. Đoàn cũng đã đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Cuông – thân mẫu Liệt sĩ Nguyễn Quang Trung.
Tổng Bí thư khẳng định, việc kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh diễn ra đúng vào ngày đầu tiên cả nước chính thức vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp. Đây là dấu mốc lịch sử. Tổng Bí thư kêu gọi toàn Đảng, toàn dân tiếp tục học tập và hành động theo tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, trung thực, dấn thân và vì nhân dân – để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường.