Thủ tướng: Tăng cường cắt giảm TTHC giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

HÀ NỘI - Ngày 21/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật tháng 6/2025, cho ý kiến về 8 nội dung quan trọng.

Kết luận Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2025, Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phải đảm bảo 6 tăng cường, phân công phải 6 rõ, trả lời được 5 vì sao và đáp ứng yêu cầu 4 phải.

Tại Phiên họp, Chính phủ nghe báo cáo tóm tắt hồ sơ chính sách; báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định và thảo luận sôi nổi xây dựng: Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế); Luật Thương mại điện tử; Luật Bảo hiểm tiền gửi (sửa đổi); Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi); Dự án Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật Giáo dục đại học (sửa đổi); Luật Giáo dục nghề nghiệp (sửa đổi).

Cho ý kiến cụ thể vào từng nội dung kể trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ việc xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) phải đáp ứng yêu cầu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời nhưng đồng thời phải khuyến khích, kiến tạo phát triển, thuận lợi cho đóng thuế và hoàn thuế.

img6063-17504880836531212429783
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2025 - Ảnh: TTXVN

Về hồ sơ chính sách Luật Thương mại điện tử, Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu quản lý được đồng thời thúc đẩy sự phát triển; quản lý theo hướng số hóa, bảo đảm hiệu quả; phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Về hồ sơ chính sách Luật Hàng không dân dụng (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng cần lưu ý việc quản lý rạch ròi, không chồng chéo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; huy động nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp để phát triển hạ tầng.

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Thủ tướng lưu ý quy mô trường lớp phải nâng lên, tăng cường các phân hiệu; tăng cường hậu kiểm; nâng cao chất lượng, tạo điều kiện cho học tập suốt đời; quản lý chuyên môn thống nhất từ Trung ương tới cơ sở nhưng quản lý con người phải giao cho địa phương.

Với lĩnh vực đào tạo nghề, Thủ tướng lưu ý việc gì người dân và doanh nghiệp làm được, làm tốt hơn thì có cơ chế, chính sách để khuyến khích, việc gì người dân và doanh nghiệp không làm được thì Nhà nước phải làm.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ trưởng, Trưởng ngành tập trung chỉ đạo, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật theo đúng quy định để trình Quốc hội.

Thủ tướng cho biết từ đầu năm 2025 đến nay, Chính phủ xem xét, cho ý kiến hơn 50 dự án luật, nghị quyết.

Riêng tại Kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội 43 luật, nghị quyết, trong đó có nhiều nội dung đặc biệt quan trọng đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo động lực phát triển mới.

Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật được xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp này để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn theo yêu cầu và bảo đảm chất lượng tốt nhất của từng dự án luật.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật đảm bảo 6 tăng cường:

Tăng cường sự lãnh đạo và cụ thể hoá chủ trương, đường lối của Đảng trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tăng cường lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến của các chủ thể có liên quan, đối tượng bị tác động; tăng cường các cơ chế, chính sách nhằm kiến tạo cho phát triển và phục vụ nhân dân;

Tăng cường cắt giảm thủ tục hành chính để giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực; tăng cường phối hợp với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu quốc hội, các cơ quan trong hệ thống chính trị và các chuyên gia, nhà khoa học; tăng cường bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo trong xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật.

Chỉ rõ phân công phải 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền” trong xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu đối với luật sửa đổi, bổ sung phải trả lời được 5 vì sao: vì sao lại lược bỏ, vì sao phải hoàn thiện, vì sao lại bổ sung và vì sao lại cắt bỏ các thủ tục hành chính, phải phân cấp, phân quyền;

Các luật mới đáp ứng yêu cầu 4 phải: phải quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng; phải giải quyết được bài toàn thực tiễn; phải hợp lòng dân; phải đủ điều kiện để ban hành và đi vào cuộc sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành tăng cường phối hợp, giải trình với Quốc hội về các luật, nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Đồng thời chủ động xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thi hành; kịp thời phổ biến, quán triệt, tập huấn các luật, nghị quyết bằng những hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật.

Bình luận