Các trận động đất này có độ lớn từ 2,5 đến 3,8, theo thông tin từ Viện Các Khoa học Trái Đất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).
Số liệu cập nhật từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái Đất cho thấy, trong tổng số 40 trận động đất xảy ra trong tháng 6/2025, có tới 33 trận xảy ra tại Kon Plông, tỉnh Kon Tum. 7 trận còn lại diễn ra tại Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam ( nay là thành phố Đà Nẵng).
Đáng chú ý, một số ngày trong tháng 6 ghi nhận nhiều trận động đất liên tiếp:
Ngày 2/6: 4 trận (độ lớn 2,8 - 3)
Ngày 3/6: 4 trận (độ lớn 2,5 - 2,8)
Ngày 4/6: 4 trận (độ lớn 2,5 - 3,3)
Ngày 9/6: 3 trận (độ lớn 2,8 - 3,4)
Ngày 20/6: 3 trận (độ lớn 3,1 - 3,3)
So với tháng 5/2025 (31 trận động đất), tần suất động đất trong tháng 6 có xu hướng tăng nhẹ (tăng 9 trận). Tuy nhiên, độ lớn của các trận động đất lại có xu hướng giảm.
Lý giải về hiện tượng động đất liên tục tại hai khu vực này, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết đây là kết quả của sự kết hợp giữa yếu tố địa chất tự nhiên và động đất kích thích bởi hoạt động của con người.
Các địa phương này nằm trên các đứt gãy địa chất đang hoạt động hoặc có tiềm năng hoạt động.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất gây ra tần suất động đất cao gần đây là hoạt động của các hồ chứa thủy điện lớn. Khối lượng nước khổng lồ trong hồ chứa tạo áp lực lên các đứt gãy, làm thay đổi ứng suất và kích hoạt các trận động đất.
Mặc dù cường độ các trận động đất thường không quá lớn (dưới 5,5), nhưng việc chúng diễn ra liên tục gây rung chấn và ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân địa phương.
Dự báo hoạt động địa chấn kích thích tại các khu vực này có thể kéo dài trong nhiều năm tới, nhưng khó có khả năng vượt quá giá trị động đất cực đại 5,5.
Viện Các Khoa học Trái Đất đề xuất triển khai sớm 3 nhiệm vụ then chốt:
Hiện đại hóa mạng lưới trạm quan trắc động đất: Rà soát và đánh giá nguy hiểm động đất trên toàn quốc, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư, vùng kinh tế trọng điểm và các công trình quan trọng có nguy cơ cao, tập trung vào nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của động đất từ xa.
Đẩy mạnh tuyên truyền và huấn luyện kỹ năng sinh tồn: Nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho người dân về cách ứng phó khi xảy ra thiên tai.
Rà soát công tác kháng chấn cho nhà và công trình: Đặc biệt là ở những vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần.