Quảng Ngãi ghi nhận nhiều ổ dịch tả heo châu Phi

Dịch tả heo châu Phi (ASF) đang diễn biến phức tạp tại Quảng Ngãi khi nhiều địa phương liên tiếp ghi nhận các ổ dịch mới.

Tỉnh đã và đang khẩn trương tiến hành tiêu hủy heo nhiễm bệnh cùng các biện pháp ngăn chặn dịch lây lan.

Cụ thể, trong hai ngày 9 và 10/7, phường Trương Quang Trọng đã phát hiện 10 ổ dịch nghi nhiễm tại tổ dân phố Độc Lập 1. Kết quả xét nghiệm sau đó xác nhận các mẫu bệnh phẩm dương tính với virus ASF.

Dịch tả heo châu Phi - Ảnh V
Ảnh: VGP

Ngay lập tức, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã xử lý khẩn cấp. Tính đến ngày 11/7, phường đã tiêu hủy hơn 140 con heo nhiễm bệnh với tổng trọng lượng trên 4 tấn, đồng thời tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường.

UBND phường cũng đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân theo dõi đàn vật nuôi và báo cáo kịp thời khi có dấu hiệu bất thường.

Cũng trong ngày 11/7, UBND xã Sơn Tịnh báo cáo tình hình dịch tả heo châu Phi tại 23 hộ dân trên địa bàn, với tổng khối lượng heo tiêu hủy trên 7 tấn.

Dịch bắt đầu từ ngày 4/7 khi heo của hộ bà N.T.K.Q (thôn Bình Thọ) chết bất thường và được xác định dương tính với ASF.

Liên tục từ ngày 6 đến 10/7, dịch lan nhanh sang nhiều thôn lân cận như Hà Nhai Bắc, Thọ Lộc Bắc, Hà Tây, Hà Trung, Phước Lộc Đông, Diên Niên, An Thọ, Bình Thọ, thôn Tây, Phước Lộc Tây, Bình Nam.

Đến nay, 23 hộ chăn nuôi tại xã Sơn Tịnh đã ghi nhận heo bệnh và chết với các dấu hiệu điển hình của ASF như sốt, bỏ ăn, ủ rũ, xuất huyết toàn thân, mắt lờ đờ. Tổng số heo phải tiêu hủy tại xã Sơn Tịnh đã lên tới hơn 7 tấn.

UBND xã Sơn Tịnh, cho biết ngay sau khi xác định dịch, chính quyền đã tiến hành tiêu hủy và thực hiện các biện pháp ngăn chặn.

Đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, cán bộ thôn cung cấp thuốc tiêu độc, khử trùng và hướng dẫn tự tiêu hủy. Các đàn lớn hơn được vận chuyển đến vị trí xa khu dân cư để tiêu hủy theo quy định.

Xã đang gặp khó khăn do thiếu cán bộ thú y chuyên môn khi dịch bệnh có xu hướng lan rộng. Xã đã báo cáo cấp trên để xin thêm vật tư và cán bộ thú y hỗ trợ.

Dịch tả heo châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh trên đàn heo và hiện chưa có vaccine hay thuốc điều trị đặc hiệu.

Các địa phương đang tăng cường công tác giám sát chặt chẽ, kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán heo và sản phẩm từ heo, đặc biệt trong bối cảnh thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay.

Bình luận