Mưa lớn ở Hà Nội, cảnh báo ngập sâu đến 40cm

Sáng 3/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia phát đi cảnh báo khẩn về đợt mưa lớn xảy ra tại nội thành Hà Nội.

Từ 11h15 đến 16h15 cùng ngày, khu vực trung tâm và các quận nội thành dự báo tiếp tục có mưa vừa, mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 20-40mm, có nơi vượt mốc 60mm.

Lượng mưa lớn trong thời gian ngắn khiến nguy cơ ngập úng gia tăng nhanh tại nhiều tuyến phố, đặc biệt tại các khu vực trũng, thấp, có hệ thống tiêu thoát nước kém. Theo thống kê, độ sâu ngập phổ biến từ 15-20cm; một số điểm có thể ngập sâu tới 20-40cm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông và sinh hoạt của người dân.

Các điểm ngập đáng chú ý bao gồm: Quận Đống Đa: Thái Hà, Chùa Bộc, Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Huỳnh Thúc Kháng…;Ba Đình: Đào Tấn, Liễu Giai, Ngọc Khánh, Cao Bá Quát…;Hai Bà Trưng: Minh Khai, Vân Hồ, Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc, Ngã 5 Bà Triệu…

Thanh Xuân: Nguyễn Tuân, Vương Thừa Vũ, Bùi Xương Trạch, Lương Thế Vinh, Nguyễn Huy Tưởng…;Hoàn Kiếm: Tràng Tiền, Hàng Bài, Nguyễn Hữu Huân, Thợ Nhuộm, Tạ Hiện, Đinh Liệt…

clip-5
Ảnh minh họa

Tây Hồ và Cầu Giấy: Thụy Khuê, Trích Sài, Dương Đình Nghệ, Doãn Kế Thiện, Tôn Thất Thuyết, Phạm Hùng, Lê Văn Lương…; Hoàng Mai: Giải Phóng, Tân Mai, Linh Đàm, Trương Định, Nguyễn Xiển…

Từ Liêm và Hà Đông: Trung Văn, Hàm Nghi, Mỹ Đình, Quang Trung, Tố Hữu, Văn Phú, Yên Nghĩa…; Long Biên: Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp, Cầu Chui, Đàm Quang Trung, ngõ 80 Hoa Lâm…

Theo nhận định của cơ quan khí tượng, các điểm ngập chủ yếu xuất hiện trong thời điểm mưa đạt cường độ cao, sau đó sẽ tiêu thoát trong vòng 30-60 phút kể từ khi mưa dứt. Trong thời gian ngập, việc di chuyển trên các tuyến phố có thể gặp nhiều nguy hiểm, đặc biệt là với xe máy, xe đạp điện hoặc người đi bộ.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do ngập úng được xác định ở mức 1 mức thấp nhất trong thang cảnh báo, nhưng vẫn cần sự chủ động ứng phó của người dân và chính quyền địa phương.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường trong giờ cao điểm mưa, đồng thời: Đi chậm, giữ khoảng cách an toàn, tránh phanh gấp tại khu vực ngập; Không cố băng qua vùng nước sâu, khu vực ngập nặng không có rào chắn; Tuân thủ biển chỉ dẫn và hướng dẫn của lực lượng chức năng; Với người dân tại các khu vực dễ ngập như tầng hầm, bãi giữ xe thấp, nên chủ động kê cao thiết bị điện, rút nguồn điện khi cần thiết.

Các lực lượng ứng trực phòng chống thiên tai tại Hà Nội đã được yêu cầu sẵn sàng phối hợp xử lý tình huống phát sinh, tăng cường tiêu thoát nước tại các “điểm đen” ngập úng.

Bình luận