Cụ thể, khu vực vùng núi Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa to với lượng mưa phổ biến 15–30mm, cục bộ có nơi trên 80mm. Mưa tập trung chủ yếu vào chiều tối và đêm.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, chiều và đêm 8/7 cũng có mưa rào và dông rải rác, một số nơi mưa to với lượng 10–30mm, cục bộ có nơi trên 70mm. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Các đợt mưa lớn cục bộ này có thể gây ra lũ quét tại các sông, suối nhỏ; sạt lở đất ở sườn dốc và ngập úng ở vùng trũng thấp, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trung tâm Dự báo khí tượng cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét, mưa đá là cấp 1.

Lũ quét và sạt lở đất nếu xảy ra có thể gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng, phá hủy nhà cửa, công trình dân sinh, gây tắc nghẽn giao thông và thiệt hại nặng nề cho hoạt động kinh tế – xã hội.
Để chủ động ứng phó, các chuyên gia phòng chống thiên tai đề xuất đồng bộ các biện pháp công trình và phi công trình.
Với giải pháp công trình, các địa phương cần tập trung bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn – đặc biệt là rừng phòng hộ tại các khu vực có nguy cơ lũ quét cao; xây dựng hồ chứa điều tiết lũ, khai thông đường thoát lũ, dựng tường chắn, đê phân dòng và các tràn sự cố tại hồ chứa.
Về biện pháp phi công trình, cần lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, phân loại mức độ nguy cơ cao – trung bình – thấp để có cơ sở bố trí dân cư, đầu tư xây dựng và quy hoạch sử dụng đất hợp lý. Với các khu dân cư đã hình thành trong vùng nguy cơ, cần có phương án tái định cư, đưa dân ra khỏi vùng có nguy cơ cao.
Lượng mưa đo được từ 19h ngày 7/7 đến 7h ngày 8/7 ghi nhận nhiều điểm có mưa lớn: Phìn Hồ (Lai Châu) 71mm, Pha Long (Lào Cai) 54,8mm, Đạ Tẻh (Lâm Đồng) 73,4mm, Thuận Hòa (An Giang) 86mm,…
Trên biển, hiện vịnh Thái Lan và các vùng biển phía Đông khu vực Bắc và giữa Biển Đông, từ Khánh Hòa đến TPHCM, từ Bình Thuận đến Cà Mau và Cà Mau đến Kiên Giang đang có mưa rào, dông rải rác. Riêng khu vực từ Khánh Hòa đến TPHCM có gió Tây Nam cấp 5–6, giật cấp 7–8, sóng cao 2–3m, biển động.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động ở các vùng biển này có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lốc xoáy và gió giật mạnh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương ven biển theo dõi sát các bản tin cảnh báo, thông báo kịp thời cho tàu thuyền và đảm bảo thông tin liên lạc nhằm chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.