Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành loạt thông tư quy định về phân quyền, phân cấp và phân định thẩm quyền trong công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục, theo hướng giao thêm quyền cho UBND cấp xã.
Theo các thông tư mới, nhiều công việc trước đây do Phòng Giáo dục và Đào tạo thực hiện nay được chuyển giao cho UBND cấp xã. Cụ thể, cụm từ “Phòng GD-ĐT” hoặc “UBND cấp huyện” được thay bằng “UBND cấp xã”, và “Trưởng Phòng GD-ĐT” được thay thế bằng “Chủ tịch UBND cấp xã” trong hệ thống văn bản quản lý liên quan.
Thông tư 13/2025 quy định: UBND cấp xã sẽ chịu trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm bằng tốt nghiệp THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng sư phạm và các chứng chỉ đào tạo. UBND cấp xã cũng chịu trách nhiệm sử dụng, quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ và thực hiện cấp phát cho học sinh. Những văn bằng do Phòng GD-ĐT cấp trước ngày 01/07/2025, nếu cần chỉnh sửa, cấp lại hay hủy bỏ sẽ do Sở GD-ĐT xử lý.
Thông tư 10/2025 cũng quy định việc chuyển trường và tiếp nhận học sinh cấp THCS thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Chủ tịch UBND xã nơi học sinh chuyển đi sẽ cấp giấy giới thiệu, còn xã nơi đến tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ.
Các trường hợp ngoại lệ về thời gian chuyển trường cũng do UBND xã nơi đến quyết định. Việc xét công nhận tốt nghiệp THCS, thành lập hội đồng xét tốt nghiệp, công bố danh sách tốt nghiệp và cấp phát bằng cho học sinh cũng được giao cho cấp xã thực hiện.

Trong công tác tổ chức dạy học, UBND cấp xã sẽ tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi theo quy định mới tại Thông tư 12/2025. Trong khi đó, các nhiệm vụ như đánh giá hiệu trưởng theo chuẩn, lựa chọn và phê duyệt danh sách giáo viên và cán bộ quản lý cốt cán của trường phổ thông vẫn do Sở GD-ĐT thực hiện.
Về lựa chọn sách giáo khoa, Thông tư 10 cũng điều chỉnh trách nhiệm của địa phương. Theo đó, thay vì “thẩm định hồ sơ” như trước, UBND cấp xã sẽ thực hiện “rà soát hồ sơ” lựa chọn sách giáo khoa ở cấp tiểu học và THCS, theo quy định sửa đổi tại Thông tư 27/2023.
Việc phân cấp mạnh mẽ cho cấp xã trong lĩnh vực giáo dục được đánh giá là bước tiến quan trọng, giúp rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao tính chủ động tại địa phương, đồng thời gắn kết quản lý nhà nước về giáo dục với nhu cầu thực tiễn của cộng đồng. Các thông tư nêu trên đều có hiệu lực từ ngày 01/07/2025, đồng bộ với việc vận hành chính thức chính quyền địa phương hai cấp trên cả nước