Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đức Long khẳng định: Bộ sẽ kiên quyết không để xảy ra tình trạng yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ trùng lặp, khi thông tin đó đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, hộ tịch, đất đai, bảo hiểm… Việc này nhằm giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí và thời gian cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Long, Bộ KH&CN sẽ tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, cắt giảm thành phần hồ sơ trên cơ sở dữ liệu sẵn có, hoàn thành trước ngày 20/7/2025. Bộ cũng sẽ phối hợp cùng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và các địa phương điện tử hóa và cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến thuộc phạm vi quản lý, triển khai tại 2 cấp chính quyền địa phương, bảo đảm thống nhất trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Mục tiêu là hoàn thành trước ngày 1/1/2026.

Về công tác thể chế, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, xây dựng thể chế là khâu then chốt, có vai trò dẫn dắt sự phát triển của KH,CN,ĐMST và CĐS quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ đã trình Quốc hội thông qua 5 dự án luật. Trong 6 tháng cuối năm, Bộ tiếp tục xây dựng và trình 4 dự án luật quan trọng: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Chuyển đổi số.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc hoàn thiện một hệ sinh thái thể chế đầy đủ, kết nối liên thông giữa các ngành, lĩnh vực và các cấp chính quyền để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển khoa học và công nghệ.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong lĩnh vực khoa học, cả nước đang triển khai 42 chương trình KH&CN quốc gia, kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Bộ đã cấp 849 giấy chứng nhận kết quả nghiên cứu.
Về công nghệ, Bộ đã cấp 15 giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ, 5 giấy gia hạn; hơn 1.000 giấy phép trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử. Các ứng dụng bức xạ và đồng vị đang được sử dụng rộng rãi trong y tế, nông nghiệp và công nghiệp. Tỷ lệ tiêu chuẩn quốc tế được Việt Nam chấp nhận tăng 25%; cấp mã số, mã vạch tăng gần 9%. Số lượng văn bằng bảo hộ đạt hơn 40.000, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong lĩnh vực chuyển đổi số, có 630 triệu giao dịch thực hiện trên nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt 73% kế hoạch năm. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt gần 40%, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến.
Với đổi mới sáng tạo, hiện cả nước có khoảng 940 doanh nghiệp KH&CN, 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đang mở rộng với 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm và 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Hội nghị cũng đánh giá cao nỗ lực chuyển đổi mô hình tổ chức mới của Bộ KH&CN từ ngày 1/3/2025, hợp nhất hai cơ quan cấp bộ để trở thành cơ quan chủ lực dẫn dắt bốn trụ cột: khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số – tạo nên bước chuyển có tính lịch sử trong cấu trúc bộ máy quản lý nhà nước.