Giá vàng giao ngay đạt 3.333 USD/ounce, tăng 3 USD/ounce so với phiên trước; trong khi giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 trên sàn Comex (New York) neo tại 3.342 USD/ounce.
Động lực chính khiến giá vàng tăng đến từ tâm lý phòng ngừa rủi ro trên thị trường. Ông Ricardo Evangelista, chuyên gia phân tích cấp cao tại Công ty môi giới ActivTrades, nhận định: “Lo ngại về tình hình tài khóa của Mỹ, đặc biệt sau khi Quốc hội thông qua dự luật cắt giảm thuế quy mô lớn của Tổng thống Trump, đã đẩy mạnh nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn”.

Tổng thống Trump mới đây cho biết Mỹ sẽ bắt đầu gửi thư thông báo chính sách thương mại mới đến các quốc gia từ ngày 5/7, thay vì đàm phán song phương. Trước đó, ông đã công bố khung thuế đối ứng từ 10% đến 50%, nhưng tạm thời giữ mức 10% nhằm mở đường cho đàm phán trước hạn chót 9/7 – mốc thời gian đang khiến thị trường toàn cầu theo dõi sát sao.
Bên cạnh đó, dữ liệu việc làm tháng 6 tại Mỹ cho thấy số lượng việc làm mới vượt dự báo, nhưng phần lớn đến từ khu vực công. Tăng trưởng việc làm trong khối tư nhân chạm mức thấp nhất trong 8 tháng, cho thấy sức ép lên thị trường lao động vẫn hiện hữu. Điều này khiến giới đầu tư đánh giá Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ chưa vội điều chỉnh lãi suất, dù áp lực lạm phát phần nào hạ nhiệt.
Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia của UBS, nhận định: “Nền kinh tế Mỹ đang chậm lại nhưng chưa suy thoái hoàn toàn, vì vậy Fed chưa có lý do buộc phải cắt giảm lãi suất trong ngắn hạn”.
Tại thị trường trong nước, lúc 6h ngày 5/7, giá vàng miếng được các thương hiệu lớn như SJC, DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 118,9 – 120,9 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giảm 400.000 đồng/lượng so với phiên liền trước.
Giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ của SJC cũng điều chỉnh giảm còn 114,2 – 116,7 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng. Riêng vàng nhẫn 9999 tại DOJI ở mức 115,5 – 117,5 triệu đồng/lượng.
Về xu hướng sắp tới, các chuyên gia cho rằng giá vàng vẫn được hỗ trợ trong dài hạn. Ông Rich Checkan, CEO của Asset Strategies International, cảnh báo mức nợ công cao và tình trạng chi tiêu không kiểm soát tại Mỹ đang khiến thị trường toàn cầu hướng về vàng như một giải pháp bảo toàn giá trị.
Tuy nhiên, áp lực điều chỉnh ngắn hạn vẫn hiện hữu. Chủ tịch Adrian Day Asset Management cho rằng: “Nếu một số thỏa thuận thuế quan được thông qua, lo ngại về chiến tranh thương mại có thể giảm, kéo giá vàng xuống nhẹ trước khi bật trở lại theo xu hướng tăng dài hạn”.
Ngoài ra, tốc độ mua vào của các ngân hàng trung ương và Trung Quốc cũng đang chậm lại, là yếu tố khiến đà tăng của giá vàng phần nào bị kìm hãm.
Theo chuyên gia Kelvin Wong (Oanda), giá vàng đang dao động trong biên độ hẹp từ 3.320 – 3.360 USD/ounce, chờ đợi các tín hiệu mới từ kinh tế Mỹ và căng thẳng thương mại toàn cầu.
Giới đầu tư được khuyến nghị theo dõi sát các biến động địa chính trị, chính sách tài khóa của Mỹ và quyết định lãi suất từ Fed – những yếu tố sẽ định hình rõ hơn xu hướng giá vàng trong nửa cuối tháng 7.