TPHCM mưa dông lớn giữa trưa, cây xanh ngã đổ nhiều nơi

Trưa 20/7, mưa lớn trút xuống nhiều khu vực ở TPHCM. Trong mưa lớn kèm dông lốc, gió giật mạnh. Ghi nhận nhiều cây xanh trên nhiều tuyến đường bị gãy nhánh, ngã đổ xuống đường.
Lúc 11h26, một cây xanh lớn bất ngờ bật gốc trên đường Ông Ích Khiêm (phường Bình Thới, TPHCM). Camera ô tô di chuyển ngoài đường đã ghi lại được. May mắn, vụ việc không có người bị thương.
Trước đó vài giây, cũng có cây xanh trên đường này gãy nhánh, rơi xuống đường. Thời điểm này có nhiều người đin đường nhưng may mắn không bị rơi trúng.
Trên đường Trần Quang Diệu, phường Nhiêu Lộc (TPHCM), lúc 11h30, cây xanh gãy đổ đè trúng một chiếc ô tô. Theo lực lượng chức năng tại hiện trường, không ghi nhận thiệt hại về người.
Lúc 11h45 trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Tân Mỹ (TPHCM), một cây xanh bật gốc ngã ra đường. Rất may không gây thiệt hại.
Trên đường Rạch Cầu Suối, đoạn gần đường Lại Hùng Cường thuộc xã Tân Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh cũ, cây xanh cũng ngã đổ đè trúng ô tô...
Ông Lê Đình Quyết - trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn Nam Bộ, cho biết hoạt động của cơn bão số 3 trên biển Đông gián tiếp thu hút gió Tây Nam mạnh lên, đồng thời gây ra những vùng hội tụ gió. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến mưa dông xảy ra diện rộng tại TP.HCM.
Cũng theo ông Quyết, mưa dông mạnh còn xảy ra những ngày tới, người dân đi đường cần chú ý.
Vụ lật tàu trên vịnh Hạ Long: Mở rộng phạm vi tìm kiếm, còn 4 người mất tích

Thông tin cập nhật mới nhất cho hay có 49 người trên tàu bị lật ở vịnh Hạ Long (con số ban đầu là 53), và đến 10h sáng nay 20/7 đã tìm thấy 35 thi thể, còn 4 người mất tích. Con số này có khác biệt đôi chút so với ban đầu.
Hiện các lực lượng đang chạy đua tìm kiếm cứu nạn những người mất tích trước khi bão số 3 vào. Những người mất tích chưa tìm thấy gồm H.V.TH (sinh năm 1985); H.V.H (sinh năm 1979); H.T.Q (sinh năm 1975); N.D.K.P (sinh năm 2019). Riêng tàu QN-7105 đã được trục vớt và được lai dắt về bờ.
Sáng 20/7, các lực lượng của Quân khu 3 và các đơn vị tiếp tục tìm kiếm 4 nạn nhân còn mất tích, dưới sự chỉ đạo của Thiếu tướng Lê Văn Long, phó tư lệnh Quân khu 3. Lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn gồm 322 người và 48 phương tiện tàu, xuồng các loại.
Đặc biệt, Quân chủng PKKQ sẵn sàng điều 1 tổ bay tham gia tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích. Bên cạnh đó các lực lượng đã sử dụng 3 flycam tìm kiếm cứu nạn từ trên cao.
UBND tỉnh Quảng Ninh cho hay tổng nhân lực được huy động là gần 1.000 người, cùng 100 phương tiện tàu, xuồng các loại.
Theo Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), vùng tìm kiếm nạn nhân vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 được mở rộng lên bán kính 9 hải lý. Thủy đoàn I đã huy động tối đa tàu và nhân lực tới hiện trường suốt đêm qua.
Bão số 3 mạnh lên đầu cấp 12, giật cấp 15

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia sáng 20-7, cường độ bão số 3 (bão Wipha) tiếp tục mạnh lên đầu cấp 12 - cấp đầu của bão rất mạnh.
Lúc 10h sáng nay, tâm bão số 3 đang cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 644km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (103-133 km/h), giật cấp 15.
Dự báo trong hôm nay và những ngày tới, bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng tây, sau chuyển tây tây nam hướng về phía nước ta với tốc độ 20-25km/h.
Dự kiến 10h sáng 21/7, bão ở trên vùng biển phía đông khu vực bắc vịnh Bắc Bộ, cường độ bão lúc này mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14.
Đến 10h ngày 22/7, tâm bão ở ven biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa, cường độ bão lúc này mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.
Sau đó bão đi sâu vào đất liền nước ta và suy yếu thành vùng áp thấp trên đất liền thượng Lào.
Do ảnh hưởng của bão, ở vùng ven biển Hải Phòng - Quảng Ninh có nước dâng do bão cao từ 0,5-1m, mực nước tổng cộng từ 4-5m.
Nguy cơ cao gây ngập, úng tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông vào trưa và chiều 22/7.
Trên đất liền, từ tối và đêm 21/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 7-9, giật cấp 10-11, khu vực sâu trong đất liền gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Vùng gần tâm bão cấp 10-11, giật cấp 14.
Từ ngày 21 đến 23/7, ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Các nơi khác ở khu vực Bắc Bộ và Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Bộ Y tế phản hồi về đề xuất ‘thông tuyến bảo hiểm y tế’ cho người từ 70 tuổi

Nhiều người dân thắc mắc về việc thông tuyến khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người cao tuổi, đặc biệt những người trên 70 tuổi khi sức khỏe giảm sút.
Thực tế hiện nay rất nhiều người từ 70 tuổi trở lên đều mắc các bệnh lý mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, xương khớp… Không ít người băn khoăn trạm y tế xã, phường hoặc bệnh viện tuyến huyện chưa đủ năng lực, cơ sở vật chất để điều trị các bệnh này một cách hiệu quả.
Vì vậy nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách đặc biệt cho nhóm người từ 70 tuổi trở lên, cho phép họ được khám BHYT tại tuyến trên mà không cần giấy chuyển viện, giúp tiếp cận dịch vụ y tế thuận tiện và hiệu quả hơn.
Trước những đề xuất của người dân, Bộ Y tế cho biết hiện nay việc quy định khám, chữa bệnh theo từng tuyến khác nhau (hiện nay là cấp khám, chữa bệnh) nhằm bảo đảm khám và điều trị đúng theo tình trạng bệnh (không phụ thuộc vào tuổi tác).
Theo thông tư số 01/2025/TT-BYT ngày 2-1-2025 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, một số nhóm bệnh nặng, bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi đã được phép điều trị tại tuyến chuyên môn kỹ thuật cao hơn mà không cần giấy chuyển tuyến.
Trong phụ lục I và phụ lục II của thông tư này, Bộ Y tế liệt kê danh sách các bệnh, nhóm bệnh được coi là đủ điều kiện chuyển thẳng, bao gồm nhiều bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi như suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường có biến chứng, COPD, Parkinson, ung thư giai đoạn điều trị...
Nếu người có thẻ BHYT được chẩn đoán mắc các bệnh trong danh sách này, họ có thể đến thẳng bệnh viện cấp cơ bản, chuyên sâu để điều trị mà vẫn được hưởng đầy đủ quyền lợi BHYT.
Gần 1.000 cây xanh ở Hà Nội gãy đổ sau trận dông lốc chiều tối 19/7

Một lãnh đạo Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết trong trận mưa kèm dông lốc tối 19-7, đã khiến gần 1.000 cây xanh tại Hà Nội bị gãy đổ.
Cụ thể số liệu thống kê đến 7h30 sáng 20-7, Hà Nội có 941 cây đổ và cành gãy, trong đó các phường (quận cũ), trục đại lộ Thăng Long và đường Võ Nguyên Giáp, công viên Thống Nhất là 771 cây; các xã, phường ngoại thành Hà Nội là 170 cây.
Trong sáng cùng ngày, cơ bản khu vực nội đô các đơn vị đã giải tỏa để đảm bảo giao thông. Hiện còn một số tuyến còn cây, cành lá trên hè, các đơn vị sẽ thu dọn, cố gắng hoàn thành trong ngày 20-7.
Hưng Yên dự kiến cấm biển từ 18h ngày 20/7 để ứng phó bão số 3
Ngày 20/7, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, cho biết các đơn vị chức năng đang triển khai kế hoạch cụ thể nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão số 3 (bão Wipha).
Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, tính đến 5h ngày 20/7, toàn tỉnh có 1.132 tàu, thuyền với 3.241 lao động.
Trong đó, 1.012 tàu, thuyền đã neo đậu an toàn tại bến trong tỉnh, 87 phương tiện đang hoạt động ven biển và 28 phương tiện neo đậu ngoài tỉnh.
Tất cả phương tiện đã được liên lạc. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.179 chòi canh (1.254 lao động) và 1.128 đầm nuôi trồng thủy sản (1.617 lao động) đang hoạt động ven biển.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, gia cố nhà ở, biển hiệu, công trình công cộng; đảm bảo an toàn hệ thống lưới điện, viễn thông.
Đặc biệt, phải hoàn thành việc di dời người dân và lao động ven biển vào nơi an toàn trước 17h ngày 21/7; hoàn tất công tác kiểm tra, neo đậu tàu thuyền trước 10h ngày 21/7. Đồng thời, Hưng Yên dự kiến thực hiện lệnh cấm biển từ 18h ngày 20/7 để đảm bảo an toàn.
Hải Phòng: 16.000 khách du lịch di chuyển từ Cát Bà vào đất liền để tránh bão

Dự kiến trong sáng 20/7, 16.000 khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có 2.500 khách nước ngoài sẽ di chuyển vào đất liền để chủ động ứng phó với bão số 3.
Để chủ động ứng phó với bão số 3, Hải Phòng đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống thiên tai để ứng phó. Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố duy trì nghiêm chế độ trực, tổ chức rà soát, kiểm tra phương án, kế hoạch hiệp đồng, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng xử lý các tình huống xảy ra. Hạt Quản lý đê điều phân công lực lượng quản lý chuyên trách tăng cường kiểm tra các tuyến đê, đặc biệt là các vị trí đê, kè, cống xung yếu đã được xác định để kịp thời phát hiện, tham mưu biện pháp xử lý sự cố công trình ngay từ giờ đầu.
Các địa phương đã thông báo, cảnh báo bão cho 9.900 lồng bè. Dự kiến trong sáng ngày 20/7, 16.000 khách du lịch tại Cát Bà, trong đó có 2.500 khách nước ngoài, khách du lịch sẽ di chuyển vào đất liền.
CSGT TPHCM trực chiến 24/24, có mặt tại các điểm ngập sâu, ùn tắc khi mưa lớn

Ngày 20/7, đại diện Phòng Cảnh sát giao thông (PC08) Công an TP.HCM, cho biết Phòng Cảnh sát giao thông tăng cường đảm bảo trật tự an toàn giao thông, ứng phó nguy cơ mưa lớn, chủ động phòng chống thiên tai.
Để ứng phó với mưa to, bão lũ kéo vào, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM tăng cường triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an toàn giao thông và hỗ trợ người dân trong mùa mưa bão và phòng ngừa đuối nước xảy ra với trẻ em trong thời gian nghỉ hè.
Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên cập nhật dự báo thời tiết từ Đài Khí tượng thủy văn để nắm bắt diễn biến mưa bão, triều cường, và các khu vực có nguy cơ ngập lụt cao. Từ đó xây dựng kế hoạch ứng phó, các phương án cụ thể cho từng khu vực, tuyến đường trọng điểm thường xuyên bị ngập úng hoặc có nguy cơ sạt lở.
Ngoài ra còn phối hợp với các đơn vị chức năng như Sở xây dựng, kiểm tra hệ thống thoát nước, cống rãnh và các điểm xung yếu trên đường để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tình trạng tắc nghẽn gây ngập nặng.
Trong thời gian dự báo có mưa lớn, bố trí lực lượng, phương tiện (xuồng, phao cứu sinh, xe chuyên dụng...), kiểm tra, hướng dẫn các chủ thuyền trang bị thiết bị cảnh báo và tổ chức trực chiến sẵn sàng 24/24 tại các điểm nóng để ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
U23 Đông Nam Á 2025: Việt Nam và Thái Lan chạm tay vé bán kết, 2 đội bị loại

Hai đội tuyển U23 Việt Nam và U23 Thái Lan cùng có chiến thắng ngày ra quân nên đang có cơ hội rất lớn để giành vé vào bán kết giải bóng đá U23 Đông Nam Á 2025.
U23 Việt Nam và U23 Thái Lan cùng có được những chiến thắng cách biệt để khởi đầu thuận lợi tại giải U23 Đông Nam Á 2025.
Đội tuyển U23 Việt Nam có màn ra quân ấn tượng khi có được chiến thắng dễ dàng 3-0 trước U23 Lào ở lượt trận thứ 2 bảng B.
Khuất Văn Khang và Nguyễn Hiếu Minh (cú đúp) đã thay nhau lập công để mang ba điểm về cho nhà đương kim vô địch.
Chiến thắng này giúp cho thầy trò Huấn luyện viên Kim Sang-sik nắm ưu thế lớn trong cuộc cạnh tranh tấm vé vào bán kết U23 Đông Nam Á.
Hiện tại, U23 Việt Nam đang dẫn đầu bảng B với 3 điểm, nhiều hơn 2 điểm so với hai đối thủ cùng bảng là U23 Campuchia và U23 Lào (đã đá xong 2 trận) .
Điều này đồng nghĩa với việc "các chiến binh Sao vàng" chỉ cần hòa U23 Campuchia ở lượt cuối là sẽ thẳng tiến vào vòng đấu tiếp theo.