Đề xuất tăng lương và nâng giảm trừ gia cảnh để giữ chân công chức giỏi

VOH - Sáng 17/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2024 cùng những tháng đầu năm 2025.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đưa ra kiến nghị về cải cách chính sách tiền lương và thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt trong bối cảnh cả nước đang triển khai sắp xếp lại đơn vị hành chính và tinh giản bộ máy.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho rằng, việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã đang đặt ra áp lực lớn đối với đội ngũ cán bộ công chức, nhất là khi quy mô hành chính sau sáp nhập ngày càng mở rộng. Nhiều người buộc phải kiêm nhiệm thêm công việc, làm xa nhà, khiến đời sống tinh thần bị ảnh hưởng đáng kể.

Theo bà Trân, bên cạnh ngân sách hỗ trợ người nghỉ việc theo quy định, cần sớm có chính sách tăng lương và cải thiện chế độ đãi ngộ cho những cán bộ, công chức ở lại, nhằm tạo động lực làm việc và bảo đảm chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính.

Bao Tran
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Ảnh: Quốc hội

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, quá trình tinh gọn bộ máy nhà nước tuy cần thiết, nhưng cũng dẫn đến những hệ quả không mong muốn, đặc biệt là tình trạng “chảy máu chất xám.” Ông dẫn chứng, nhiều cán bộ có năng lực, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số, đã xin nghỉ việc do áp lực công việc gia tăng và đời sống khó khăn, gây lo ngại về sự mất cân đối nguồn nhân lực.

Ông Thắng cảnh báo nếu không có chính sách hợp lý để giữ chân người tài, bộ máy hành chính sẽ đối diện với tình trạng thiếu hụt cán bộ có kinh nghiệm, ảnh hưởng đến hiệu quả phục vụ nhân dân. Do đó, cần cải cách mạnh mẽ chính sách lương, phúc lợi và xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, có cơ hội thăng tiến, đặc biệt chú trọng tuyển dụng và bồi dưỡng nguồn nhân lực trẻ.

Bên cạnh vấn đề lương, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TPHCM) nhấn mạnh đến việc cần thiết phải điều chỉnh chính sách thuế thu nhập cá nhân. Ông cho rằng mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã lỗi thời và không còn phù hợp với thực tế đời sống, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập khả dụng của người dân, từ đó làm suy giảm tổng cầu trong nước.

“Với thị trường hơn 100 triệu dân, sức tiêu dùng nội địa có vai trò rất quan trọng. Việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là bước đi cấp thiết để kích thích tiêu dùng và bảo đảm công bằng cho người lao động,” ông Ngân nói.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cũng cho rằng việc sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân không thể chậm trễ, nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao, đồng thời khẳng định đây là yếu tố then chốt để đảm bảo an sinh và động lực phát triển.

Các đại biểu thống nhất cho rằng việc tinh giản biên chế, sắp xếp bộ máy phải đi đôi với cải cách chính sách lương, đãi ngộ và thuế, để đảm bảo hiệu quả lâu dài của quá trình cải tổ hành chính và phát triển bền vững của nền kinh tế.

 
Bình luận