Đây là nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đang được Bộ Tư pháp thẩm định.
Cụ thể, đề xuất quy định các giao dịch vàng từ 20 triệu đồng trở lên phải thực hiện qua tài khoản thanh toán của khách hàng và doanh nghiệp kinh doanh vàng mở tại ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Ngoài ra, khi bán vàng nguyên liệu, các ngân hàng thương mại phải sử dụng hóa đơn điện tử, lưu trữ và cung cấp dữ liệu đầy đủ theo quy định pháp luật.

Đối với hoạt động sản xuất vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất siết chặt điều kiện cấp phép. Theo đó, doanh nghiệp muốn sản xuất vàng miếng phải có:
-
Giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng,
-
Vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng trở lên,
-
Không bị xử phạt hành chính hoặc đã hoàn tất khắc phục hậu quả nếu có vi phạm,
-
Có quy trình nội bộ về sản xuất vàng miếng.
Ngân hàng thương mại muốn được cấp phép sản xuất vàng miếng phải có vốn điều lệ tối thiểu 50.000 tỷ đồng và đáp ứng các điều kiện tương tự doanh nghiệp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành quy định về hồ sơ, thủ tục cấp phép.
Động thái siết chặt quản lý vàng diễn ra trong bối cảnh giá vàng miếng trong nước nhiều thời điểm chênh lệch tới 18 triệu đồng/lượng so với thế giới, cao hơn đáng kể so với mức chênh lệch khoảng 3 triệu đồng/lượng giai đoạn 2014–2021. Ngân hàng Nhà nước cho rằng sự chênh lệch bất thường này đe dọa ổn định tài chính, tiền tệ và tạo tâm lý đầu cơ tích trữ vàng.
Ba nguyên nhân chính được chỉ ra:
-
Giá vàng thế giới tăng mạnh, trong khi các kênh đầu tư trong nước kém hấp dẫn, lãi suất thấp.
-
Không bổ sung nguồn cung vàng miếng từ năm 2014 đến đầu 2024, khiến thị trường khan hiếm.
-
Một số doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng kinh doanh vàng để hợp thức hóa vàng lậu, trốn thuế, thao túng tâm lý thị trường qua tin đồn giá vàng – ngoại tệ.
Sau hơn 10 năm áp dụng, Nghị định 24/2012/NĐ-CP được đánh giá là đã tạo nền tảng ổn định cho thị trường vàng. Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, những bất cập dần lộ rõ, như việc độc quyền sản xuất – nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước khiến thị trường phụ thuộc nguồn cung đơn lẻ, buộc cơ quan này phải sử dụng dự trữ ngoại hối can thiệp khi thị trường biến động mạnh.
Ngoài việc kiểm soát thanh toán, dự thảo nghị định sửa đổi cũng hướng tới chống “vàng hóa” trong nền kinh tế, nâng cao tính minh bạch, hạn chế rủi ro rửa tiền, trốn thuế và đầu cơ. Đáng chú ý, giao dịch mua vàng hiện chưa bị đánh thuế, góp phần khiến vàng trở thành công cụ trú ẩn hấp dẫn trong bối cảnh bất ổn kinh tế.
Việc bổ sung quy định thanh toán không dùng tiền mặt cho các giao dịch vàng lớn được kỳ vọng sẽ giúp siết chặt giám sát dòng tiền, giảm thiểu rủi ro trong quản lý thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.