Đề xuất bổ sung án tử hình với tội sản xuất thuốc và sữa giả

VOH - Sáng 27/5, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ không đồng tình với đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh nghiêm trọng.

Đặc biệt là tội tham nhũng, nhận hối lộ, vận chuyển ma túy và sản xuất hàng giả.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) nhấn mạnh cần giữ nguyên mức án tử hình cho các tội tham ô, nhận hối lộ để đảm bảo răn đe và thu hồi tài sản hiệu quả. Dẫn chứng từ vụ án AVG và chuyến bay “giải cứu,” ông Sang cho rằng, việc bị cáo chỉ chấp nhận nộp lại tài sản sau khi bị tuyên án tử hình cho thấy mức án này có tác dụng ngăn chặn và thúc đẩy khắc phục hậu quả.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhận định dù số lượng người bị tuyên tử hình vì tham nhũng không nhiều, nhưng duy trì hình phạt này là cần thiết để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta không tử hình ngay, nhưng nếu khắc phục hậu quả tốt sẽ được xem xét giảm án. Có những vụ thất thoát hàng triệu tỉ đồng – nếu thu hồi được nửa số đó cũng đủ xây tuyến đường sắt Bắc – Nam dài hàng trăm km.”

Đặc biệt, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) đề nghị bổ sung hình phạt tử hình đối với tội sản xuất, buôn bán thuốc giả và sữa giả – những mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em và người bệnh.

Pham Khanh Phong Lan - TTO
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) - Ảnh: TTO

Bà Lan cho rằng: “Những hành vi này không thể gọi là thiếu hiểu biết. Người thực hiện biết rõ hậu quả nhưng vẫn làm vì lợi nhuận. Không thể nhân danh tính nhân văn để giảm hình phạt với tội phạm gây hại cho cộng đồng.”

Theo bà, những kẻ sản xuất thuốc và sữa giả không chỉ đe dọa tính mạng người tiêu dùng, mà còn gây mất niềm tin vào hệ thống y tế, ảnh hưởng lớn đến những người yếu thế. “Không thể xuê xoa với tội phạm. Cần một ‘chốt chặn’ đủ mạnh để thể hiện quyết tâm không khoan nhượng với hành vi vô nhân đạo này,” bà nhấn mạnh.

Phát biểu tiếp thu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thành Long cho biết, việc đề xuất giảm hình phạt tử hình được cân nhắc dựa trên xu thế chung của thế giới, khi có tới 142/193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc đã bãi bỏ hoặc không áp dụng án tử hình trên thực tế. Ông dẫn lại lộ trình giảm dần từ 44 tội danh tử hình năm 1985, xuống còn 18 vào năm 2017, và nếu lần này Quốc hội thông qua đề xuất giảm thêm 8 tội, con số sẽ còn lại 10.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “chính sách hình sự là quá trình thay đổi có kiểm soát, cần tiếp tục lắng nghe ý kiến từ thực tiễn và cơ quan tố tụng,” đảm bảo vừa phù hợp xu thế quốc tế, vừa không làm giảm sức răn đe cần thiết với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Bình luận