Lễ công bố được thực hiện thống nhất vào lúc 8h sáng trên phạm vi toàn quốc. Mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một điểm cầu truyền hình trực tiếp và kết nối trực tuyến đến tất cả xã, phường, đặc khu thuộc địa bàn.
Đây là bước triển khai cụ thể của Nghị quyết 202/2025/QH15 do Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành ngày 12/6/2025. Việt Nam sẽ giảm số đơn vị hành chính cấp tỉnh từ 63 xuống còn 34 tỉnh, thành phố (gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Tại 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sáp nhập, các cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ Việt Nam cấp tỉnh sẽ công bố việc kết thúc hoạt động của một số đơn vị hành chính cấp huyện, sắp xếp cấp xã và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương.
Tại 23 tỉnh, thành phố thực hiện sáp nhập cấp tỉnh và cấp xã, buổi lễ công bố bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập đơn vị hành chính; Quyết định thành lập tổ chức Đảng và chính quyền các cấp mới; Chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND và MTTQ các cấp sau sáp nhập.

Theo Hướng dẫn 31-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương, việc thành lập Đảng bộ cấp tỉnh mới sẽ được Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét và quyết định, đồng thời chỉ định bí thư, phó bí thư, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra và các chức danh chủ chốt của Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025. Thời hạn hoàn thành toàn bộ quá trình này là trước ngày 15/9/2025.
Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND được chỉ định, không qua bầu cử
Một điểm mới quan trọng trong quá trình sáp nhập là việc không tổ chức bầu cử lại các chức danh chính quyền địa phương sau khi đơn vị hành chính mới được hình thành. Thay vào đó, các vị trí lãnh đạo sẽ được chỉ định như sau:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, trưởng các ban của HĐND, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội.
- Thủ tướng Chính phủ chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
- Thường trực HĐND cấp tỉnh chỉ định Ủy viên UBND, HĐND cấp dưới.
Trường hợp đặc biệt, một số chức danh HĐND có thể được chỉ định từ người không phải đại biểu HĐND, hoặc được bổ sung đại biểu HĐND lâm thời tại các địa phương đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị không có HĐND phường.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý nhà nước và phân bổ nguồn lực hợp lý hơn giữa các vùng, miền. Đây cũng là bước đi cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương về đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Chính quyền tại các tỉnh, thành phố mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2025. Trong thời gian chuyển tiếp, chính quyền cũ tiếp tục đảm nhiệm các nhiệm vụ quản lý hành chính cho đến khi bộ máy mới được kiện toàn và vận hành đầy đủ.
Không chỉ đơn thuần là thay đổi địa giới, lần sắp xếp này thể hiện tư duy mới về quản trị quốc gia, được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá là "cuộc cách mạng toàn diện, triệt để".
Cuộc cải tổ này gắn với việc xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp thay cho mô hình 3 cấp như hiện hành. Đây là mô hình tổ chức chính quyền mới, được cho là phù hợp với xu thế quốc tế, mang tính hiện đại và hướng đến hiệu quả quản trị cao hơn.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh cuộc cách mạng này cũng là một giải pháp, cùng với các giải pháp khác như triển khai "bộ tứ trụ cột" để góp phần thúc đẩy tăng trưởng từ 8% trong năm nay và 2 con số trong những năm tới, thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra. Đây cũng là những giải pháp được bổ sung so với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thủ tướng nêu rõ, trong cuộc cách mạng tổ chức bộ máy lần này, điều quan trọng nhất là chuyển đổi trạng thái của bộ máy chính trị (cả cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội) từ thụ động tiếp nhận, giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp sang kiến tạo, chủ động phục vụ, giải quyết các công việc, vấn đề của người dân và doanh nghiệp.