Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, kết quả khảo sát, hội thảo với các định chế tài chính toàn cầu, nhà đầu tư và chuyên gia trong - ngoài nước. Đa số đánh giá các chính sách đề xuất đều mang tính đột phá, có tính cạnh tranh và vượt trội so với nhiều trung tâm tài chính khác.
Dự thảo Nghị quyết đề xuất nhiều chính sách tiếp cận thông lệ quốc tế như: mô hình quản lý, ngôn ngữ, xuất nhập cảnh, kế toán, lao động, tài chính công nghệ (fintech), sandbox, PPP… Bên cạnh đó là lộ trình mở cửa có kiểm soát đối với các lĩnh vực nhạy cảm như ngoại hối hay giải quyết tranh chấp.
Trên tinh thần phát triển đồng bộ, Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị và được thống nhất thành lập hai trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM và Đà Nẵng với sự phân công rõ chức năng, mục tiêu và lợi thế từng địa phương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, TPHCM là đầu tàu kinh tế - tài chính của cả nước đã hình thành hệ sinh thái tài chính đa dạng với ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, fintech...Trung tâm tài chính tại TPHCM sẽ tập trung phát triển thị trường vốn, ngân hàng - tiền tệ, sàn giao dịch chuyên biệt, cơ chế thử nghiệm công nghệ tài chính (sandbox), thị trường hàng hóa và các nền tảng giao dịch hiện đại.
Đà Nẵng được định hướng là nơi thử nghiệm các mô hình tài chính mới như tài chính xanh, tài chính bền vững, ứng dụng công nghệ tài chính, dịch vụ số nhờ lợi thế về vị trí địa lý và tiềm năng phát triển logistics, công nghệ thông tin.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với phương án Chính phủ trình. Ông nhấn mạnh việc ban hành Nghị quyết cần tuân thủ nghiêm Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật, đồng thời đảm bảo tính hiến định, hợp pháp, khả thi và hiệu quả.
Các chính sách phải được xây dựng trên cơ sở đánh giá tác động toàn diện, tránh gây hệ lụy đến môi trường, xã hội, ngân sách và đời sống người dân. Đồng thời cần quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất các quy định vượt khung pháp lý hiện hành nguyên tắc “quyền hạn đi đôi với trách nhiệm” được đặt lên hàng đầu.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế là động lực mới cho tăng trưởng kinh tế - mục tiêu hướng đến là tăng trưởng hai con số từ nay đến 2030.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý trung tâm tài chính khác với khu thương mại tự do, bởi đặc thù luân chuyển dòng tiền, vốn xuyên biên giới. Cần gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát rủi ro, đảm bảo an ninh an toàn hệ thống tài chính tiền tệ.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng Nghị quyết cần quy định ở cấp độ nguyên tắc, giao Chính phủ cụ thể hóa bằng hướng dẫn để đảm bảo linh hoạt, kịp thời, đồng thời phân cấp cho TPHCM và Đà Nẵng trong các nội dung phù hợp với quyền hạn địa phương.
Về chính sách thuế, ông yêu cầu có cơ chế kiểm soát rõ ràng trong áp dụng ưu đãi cho doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài trung tâm tài chính nhằm ngăn chặn hành vi trục lợi, gây bất công trong môi trường cạnh tranh.
Đặc biệt, vấn đề thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài được đánh giá là điểm mới chưa có tiền lệ, đòi hỏi hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong khâu xử lý tài sản, tránh tranh chấp pháp lý về sau.
“Đây là chủ trương lớn, chúng ta phải làm kỹ, chặt chẽ, thận trọng, áp dụng luật pháp quốc tế vào trung tâm tài chính này nhưng phải phù hợp với điều kiện luật pháp của Việt Nam," Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.