Chủ tịch Hà Nội yêu cầu tập trung ứng phó bão số 3

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tập trung ở cấp độ cao nhất, khẩn trương phòng, chống bão số 3 (bão WIPHA).

Trước diễn biến phức tạp và nguy hiểm của bão số 3, ngày 20/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh ký và ban hành công điện khẩn gửi các sở, ban ngành cùng UBND các quận, huyện, phường, xã yêu cầu toàn hệ thống chính trị chủ động, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống thiên tai.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Wipha đã tiến vào vùng biển phía đông bắc khu vực Bắc Biển Đông, đạt cấp 10, giật cấp 12 và còn tiếp tục mạnh lên.

Bão được đánh giá là có cường độ lớn, tốc độ di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, tiềm ẩn nguy cơ rất cao gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng đô thị và thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản nhân dân.

cay_xanh_gay_do
Cây xanh tại Hà Nội gãy đổ do dông lốc - Ảnh: Ha Noi News

Công điện của Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Công điện 112. Các cấp, ngành cần tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và triển khai nhanh chóng, hiệu quả các phương án ứng phó với bão số 3 cũng như các loại hình thiên tai khác có thể xảy ra.

Một trong những yêu cầu trọng tâm là tổ chức trực ban 24/24 để theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên tổng hợp và báo cáo tình hình thiên tai, sự cố và kết quả ứng phó về UBND TP. Các đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước lãnh đạo thành phố về công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn, lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch UBND các phường, xã được yêu cầu theo dõi sát các bản tin cảnh báo bão, chủ động thông báo và hướng dẫn người dân phòng tránh kịp thời. Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu vực ven sông, suối, vùng thấp trũng có nguy cơ lũ quét, ngập lụt, sạt lở để xây dựng phương án ứng phó cụ thể.

dbqg_xtnd_20250720_2300
Dự báo vị trí và hướng di chuyển bão số 3 - Ảnh: TTKTTVQG

Công điện cũng yêu cầu rà soát từng hộ dân tại khu vực có nguy cơ cao, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, sẵn sàng sơ tán dân đến nơi an toàn.

Các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã, sẵn sàng lực lượng hỗ trợ người dân di chuyển, hướng dẫn giao thông an toàn tại các điểm ngập sâu, đường tràn, khu vực nước xiết hoặc sạt lở.

Trong lĩnh vực hạ tầng, giao thông và nông nghiệp, công điện nêu rõ: Các địa phương cần chuẩn bị phương án bố trí lực lượng, vật tư, thiết bị để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục chính, đặc biệt tại các điểm dễ ngập hoặc sạt lở. Chuẩn bị phương án tiêu úng để bảo vệ sản xuất nông nghiệp, khu công nghiệp, khu dân cư và các khu đô thị lớn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Sở Tài nguyên và Môi trường được giao phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi (Sông Nhuệ, Sông Đáy, Sông Tích) và chính quyền địa phương vận hành linh hoạt hệ thống tiêu thoát nước đệm, đảm bảo an toàn đê điều, hồ chứa và công trình thủy lợi.

Bình luận