Theo đó, trước ngày 1/10/2025, các cơ sở khám chữa bệnh có hình thức tổ chức là bệnh viện phải hoàn tất việc chuyển đổi sang kê đơn thuốc điện tử. Với các cơ sở khám chữa bệnh khác, thời hạn là trước ngày 1/1/2026.
Đây được xem là mốc thời gian “chốt hạ” sau nhiều lần trì hoãn và đề xuất gia hạn trước đó. Theo quy định mới, đơn thuốc điện tử là loại đơn được lập, ký số, chia sẻ và lưu trữ dưới hình thức điện tử, có giá trị pháp lý tương đương đơn thuốc giấy.
Ông Vương Ánh Dương – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) – cho biết, quy định này phù hợp với Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu toàn bộ bệnh viện có giường bệnh phải triển khai bệnh án điện tử trong tháng 9/2025. Đơn thuốc điện tử cũng là một phần quan trọng trong bệnh án điện tử.

Tính đến tháng 4/2025, trong tổng số khoảng 1.800 bệnh viện công và tư trên cả nước, mới chỉ hơn 200 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, chuyển từ đơn thuốc giấy sang điện tử. Trong khi đó, vẫn còn khoảng 70.000 phòng khám tư đang hoạt động.
Từ ngày 1/7/2025, tất cả cơ sở khám chữa bệnh khi kê đơn thuốc cho người bệnh (dù điều trị nội trú hay ngoại trú) phải gửi đơn thuốc điện tử lên Hệ thống đơn thuốc quốc gia ngay sau khi kết thúc quy trình khám chữa bệnh. Ngoài ra, cơ sở y tế có trách nhiệm gửi mã đơn thuốc hoặc đơn thuốc điện tử cho người bệnh hoặc người đại diện qua các phương tiện điện tử theo hướng dẫn.
Thực tế hiện nay, nhiều bệnh viện dù đã triển khai bệnh án điện tử nhưng vẫn còn duy trì đơn thuốc viết tay hoặc sổ khám bệnh giấy cho bệnh nhân ngoại trú để thuận tiện theo dõi. Tuy nhiên, theo lộ trình, các bệnh viện sẽ phải dừng hoàn toàn việc viết tay đơn thuốc, chuyển sang sử dụng hệ thống điện tử theo chuẩn.
Việc bắt buộc kê đơn điện tử được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hạn chế sai sót và đảm bảo minh bạch trong việc kê đơn – bán thuốc. Đặc biệt, điều này cũng giúp giảm tình trạng đơn thuốc khó đọc – tình trạng chữ viết tay “như giun bò” của bác sĩ vốn gây khó cho cả bệnh nhân, dược sĩ lẫn cán bộ y tế.
Nhiều ý kiến chuyên gia đánh giá, kê đơn điện tử còn là bước quan trọng trong việc giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc kháng sinh, hạn chế lạm dụng thuốc, đồng thời tăng cường khả năng kết nối dữ liệu y tế quốc gia, phục vụ quản lý sức khỏe người dân theo hồ sơ điện tử.
Thông tư 26/2025 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, là bước đi tiếp theo trong tiến trình chuyển đổi số y tế, góp phần hình thành nền y tế thông minh, đảm bảo an toàn, chính xác và hiệu quả trong khám chữa bệnh.