Trong đó, nhiều chức danh trong hệ thống tổ chức quân sự địa phương và lực lượng biên phòng cấp tỉnh, cấp huyện được điều chỉnh, rút gọn nhằm xây dựng lực lượng tinh gọn, hiệu quả.

Bỏ một số chức danh trong bộ máy chỉ huy địa phương
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vừa được điều chỉnh đã bỏ các chức danh như: Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Phó Chỉ huy trưởng, Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh; Chỉ huy trưởng, Chính trị viên Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện; Phó Chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phan Văn Giang cho biết, việc điều chỉnh nhằm bảo đảm phù hợp với đề án tổ chức lại lực lượng quân sự địa phương theo hướng “tinh, gọn, mạnh”, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới của Quân ủy Trung ương.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc quyết định gọi đào tạo sĩ quan dự bị và gọi sĩ quan dự bị phục vụ tại ngũ, huấn luyện, kiểm tra sẵn sàng động viên, sẵn sàng chiến đấu đối với các lực lượng dự bị cư trú trên địa bàn.
Không mở rộng cấp hàm tướng cho chỉ huy quân sự cấp tỉnh
Trong quá trình thảo luận, một số đại biểu đề xuất nâng quân hàm cao nhất cho Chỉ huy trưởng và Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh lên cấp tướng, tương ứng với chức vụ của lực lượng công an địa phương, nhất là trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy ở cấp tỉnh, giảm đầu mối.
Tuy nhiên, Chính phủ giữ nguyên quy định hiện hành và không mở rộng cấp bậc hàm tướng với các chức vụ này. Lý do là vì Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2024 đã giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định cụ thể các vị trí có quân hàm từ trung tướng trở xuống, đồng thời đảm bảo đúng số lượng vị trí có quân hàm cấp tướng theo thẩm quyền cho phép.
Bổ sung quy định cấp hàm cho sĩ quan biệt phái Quốc hội
Luật sửa đổi lần này cũng quy định cấp bậc quân hàm cao nhất với các sĩ quan Quân đội nhân dân biệt phái đang đảm nhiệm vị trí trong bộ máy Quốc hội.
Cụ thể, sĩ quan được bầu giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội có thể mang hàm Thượng tướng. Phó Chủ nhiệm hoặc Thứ trưởng, chức vụ tương đương có thể mang hàm Trung tướng. Các sĩ quan giữ chức vụ Ủy viên thường trực hoặc Tổng cục trưởng, chức vụ tương đương có thể mang hàm Thiếu tướng.
Tổ chức mới thay thế bộ máy chỉ huy cũ
Chính phủ cũng làm rõ việc không duy trì các chức vụ như Chỉ huy trưởng, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh vì bộ máy này sẽ được tổ chức lại theo hướng mới.
Căn cứ Kết luận 159 của Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sẽ được giải thể, thay thế bằng Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực - đơn vị tương đương cấp lữ đoàn, trực thuộc Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh cũng sẽ được thay bằng Ban Chỉ huy Biên phòng, đơn vị tương đương cấp sư đoàn.
Các chức danh chỉ huy, quản lý thuộc các đơn vị mới sẽ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định. Vì vậy, luật không đưa vào quy định cụ thể các chức vụ như Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng hay Ban Chỉ huy phòng thủ khu vực.
Việc sắp xếp lại tổ chức quân sự địa phương và lực lượng biên phòng cấp tỉnh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, phù hợp yêu cầu chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.