Sửa đổi Hiến pháp 2013, bắt đầu từ 19/6
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 194/2025/QH15 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với tỷ lệ tán thành tuyệt đối. Nghị quyết có hiệu lực từ 19/6/2025.
Việc sửa đổi tập trung vào các nội dung về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, cùng với việc phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương. Động thái này nhằm thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước.
Thay đổi cơ chế quản lý lao động, lương, thưởng tại doanh nghiệp nhà nước
Có hiệu lực từ 15/6/2025, Thông tư 003/2025/TT-BNV của Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết việc quản lý lao động, tiền lương, thù lao và tiền thưởng trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Theo đó, các doanh nghiệp phải xây dựng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương và định kỳ điều chỉnh mức lương để đảm bảo đúng quy định. Việc chi trả tiền thưởng, phúc lợi cho người lao động và cán bộ quản lý dựa trên kết quả kinh doanh và hiệu quả công việc.

Chứng khoán phái sinh: áp dụng mẫu hợp đồng mới từ 1/6
Thông tư 14/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ 1/6/2025 thay thế các mẫu hợp đồng giao dịch chứng khoán phái sinh trước đây.
Hai mẫu mới được ban hành bao gồm: Hợp đồng ủy thác bù trừ, thanh toán giữa các thành viên và hợp đồng mở tài khoản giao dịch giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư. Đồng thời, quy định liên quan đến giấy tờ pháp lý của tổ chức chuyển quyền sở hữu chứng khoán cũng được sửa đổi để phù hợp thực tiễn.
Thêm hình thức kỷ luật “bãi nhiệm” đối với cán bộ xử lý sai phạm hành chính
Từ 15/6/2025, Nghị định 93/2025/NĐ-CP bổ sung hình thức kỷ luật “bãi nhiệm” với cán bộ vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính.
Hình thức này áp dụng với các trường hợp đã từng bị cách chức nhưng tái phạm, hoặc lần đầu vi phạm nhưng gây hậu quả nghiêm trọng như không sửa sai khi phát hiện vi phạm, không thực hiện kết luận kiểm tra đầy đủ…
Chuyển đổi hoàn toàn sang hình thức báo cáo điện tử cho nhà đầu tư nước ngoài
Thông tư 20/2025/TT-BTC, có hiệu lực từ tháng 6/2025, yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong hoạt động đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam phải thực hiện báo cáo điện tử.
Các báo cáo cần nộp qua hệ thống quản lý của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lưu trữ tối thiểu 5 năm. Trường hợp bất khả kháng, có thể tạm nộp bản giấy nhưng phải có thông báo và hoàn thiện lại báo cáo trên hệ thống sau đó.
Giới hạn mở tài khoản đầu tư gián tiếp đối với nhà đầu tư nước ngoài
Theo Thông tư 03/2025/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực từ 16/6/2025, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mở một tài khoản đầu tư gián tiếp tại một ngân hàng tại Việt Nam.
Ngoại lệ chỉ áp dụng cho công ty chứng khoán hoặc quỹ đầu tư nước ngoài với mỗi mã giao dịch chứng khoán có thể mở một tài khoản riêng. Tài khoản này được sử dụng để chuyển nhượng vốn, nhận cổ tức, mua bán ngoại tệ, chi trả chi phí đầu tư… Hồ sơ mở tài khoản phải được công chứng và có bản dịch tiếng Việt nếu cần thiết.