Hai sản phẩm gồm: kem chống nắng Vitamin C, số tiếp nhận phiếu công bố: 242/24/CBMP-PT ngày 5/9/2024. Đơn vị chịu trách nhiệm là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam (Phú Thọ). Kem chống nắng Sun Cream, số tiếp nhận: 39/22/CBMP-PT ngày 9/9/2022. Đơn vị chịu trách nhiệm: Công ty TNHH Mỹ phẩm Lovis (Quảng Ninh).
Theo kết quả giám định tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, chỉ số SPF thực tế của cả hai sản phẩm chỉ đạt dưới 70% so với công bố trên nhãn, vi phạm nghiêm trọng quy định ghi nhãn và quảng cáo, đồng thời bị xác định là hàng giả theo kết luận của Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Phú Thọ.

Cục Quản lý dược yêu cầu các đơn vị này phải gửi thông báo thu hồi tới các cơ sở phân phối, tiếp nhận lại sản phẩm và nộp báo cáo thu hồi trước ngày 7/8. Sở Y tế Phú Thọ và các tỉnh, thành phố được giao phối hợp kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Theo Cục Quản lý dược, căn cứ kết quả kiểm nghiệm từ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm - Sở Y tế Hà Nội, sản phẩm Vitamin E Mosturising Cream Enriched with Sunflowers Oil, trên nhãn ghi "Product of Thailand", bị phát hiện không chứa thành phần vitamin E như công bố, đồng thời không đạt chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật theo quy định.
Sản phẩm này in toàn bộ nhãn bằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt, không ghi đơn vị chịu trách nhiệm đưa ra thị trường và chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố mỹ phẩm nhập khẩu.

Với các vi phạm nghiêm trọng nêu trên, Cục Quản lý dược yêu cầu thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm trên toàn quốc để đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Đồng thời yêu cầu các Sở Y tế địa phương thông báo khẩn tới các cơ sở kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm ngừng ngay việc sử dụng và lưu hành sản phẩm này, phối hợp truy tìm nguồn gốc và xử lý các vi phạm theo đúng quy định.
Người dân được khuyến cáo không sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, không có thông tin đơn vị chịu trách nhiệm, không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc có dấu hiệu làm giả công dụng.