Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có hướng dẫn chi tiết gửi các cơ sở đào tạo (CSĐT) đại học, cao đẳng về việc sử dụng đồng thời nhiều tổ hợp, phương thức và chứng chỉ ngoại ngữ trong công tác tuyển sinh năm 2025.
Với các ngành hoặc nhóm ngành xét tuyển bằng nhiều tổ hợp môn thi, nhiều phương thức đánh giá hoặc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, Bộ yêu cầu các CSĐT phải công bố rõ ràng và minh bạch toàn bộ quy trình xét tuyển. Cụ thể, các trường cần xác định và công khai quy tắc quy đổi tương đương giữa các ngưỡng đầu vào, điểm trúng tuyển, điều kiện nhận hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Đối với chứng chỉ ngoại ngữ được công nhận để miễn thi tốt nghiệp THPT, các CSĐT được phép quy đổi thành điểm môn ngoại ngữ trong tổ hợp xét tuyển, với điều kiện trọng số không vượt quá 50%. Đồng thời, việc quy đổi phải thể hiện rõ sự khác biệt về năng lực ngoại ngữ ở các mức chứng chỉ khác nhau, nhằm đảm bảo tính công bằng trong đánh giá.
Các tổ hợp môn hoặc bài thi đánh giá độc lập dùng để xét tuyển phải được xây dựng một cách khoa học, thực tiễn và có khả năng lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo. Bộ lưu ý rằng nếu chương trình đào tạo yêu cầu kiến thức nền tảng ở một môn học nhất định, thì CSĐT cần quy định rõ ngưỡng đầu vào đối với môn học đó, căn cứ vào điểm học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp. Ví dụ, với ngành Y khoa, cần có yêu cầu cụ thể về điểm môn Sinh học.
Nếu sử dụng bài thi đánh giá độc lập, CSĐT phải xác định rõ tỷ lệ điểm tối thiểu của phần nội dung cốt lõi – phần có liên quan trực tiếp đến ngành đào tạo – trong tổng điểm bài thi. Ví dụ, khi xét tuyển ngành Toán học, cần nêu rõ tỷ lệ điểm phần Toán học trong cấu trúc bài thi.
Các yêu cầu nêu trên không áp dụng với ngành học bắt đầu từ trình độ cơ bản, như Ngôn ngữ Pháp, hay một số ngành đặc thù như Sư phạm Công nghệ, Sư phạm Tin học, nhưng vẫn phải có điều chỉnh phù hợp.
Về thời hạn, các thí sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ hoặc dữ liệu khác để xét tuyển có thể khai báo trên hệ thống xét tuyển chung hoặc nộp trực tiếp về trường đến hết ngày 28/7/2025. CSĐT được phép dùng thông tin đã khai báo trên hệ thống để làm căn cứ xét tuyển.
Các cơ sở đào tạo cũng cần bố trí bộ phận thường trực hỗ trợ tuyển sinh gồm cán bộ có kinh nghiệm, nắm rõ quy chế và có khả năng tư vấn, giải đáp đầy đủ cho thí sinh. Đồng thời, cần hỗ trợ thí sinh sử dụng máy tính có kết nối internet tại trường để đăng ký nguyện vọng nếu có nhu cầu.
Về mức cộng điểm, Bộ quy định điểm cộng tối đa là 10% theo thang điểm xét tuyển và được cộng trước khi tính điểm ưu tiên khu vực, đối tượng.
Trường hợp trường xét tuyển theo thang điểm khác 30, phải quy đổi tương ứng để đảm bảo đồng bộ theo Điều 7 của Quy chế tuyển sinh.