Bộ GD-ĐT lên tiếng về tranh luận "đề thi khó"

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo, đồng thời củng cố hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công bố kết quả đúng thời gian.

Tại hội nghị giao ban báo chí sáng 1/7 do Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phạm Ngọc Thưởng đã thông tin chi tiết về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 – kỳ thi đầu tiên thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018.

Trước nhiều ý kiến cho rằng đề thi các môn Toán, Tiếng Anh năm nay quá khó, ông Thưởng khẳng định: “Chỉ khi có kết quả chấm thi mới có thể đánh giá chính xác mức độ khó dễ của đề”.

Theo Bộ GD-ĐT, định dạng và cấu trúc đề thi đã được công bố từ cuối năm 2023, đồng thời triển khai thử nghiệm trên khoảng 12.000 học sinh ở nhiều vùng, kể cả khu vực khó khăn. Kết quả thử nghiệm được phân tích kỹ lưỡng bằng lý thuyết khảo thí hiện đại và là cơ sở để xác định độ phân hóa của đề.

Pham Ngoc Thuong
Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng

Đề thi hướng đến phát triển năng lực người học, hạn chế học tủ, học lệch. Đặc biệt, đề đã điều chỉnh tăng số câu hỏi mang tính phân hóa cao nhằm khắc phục tình trạng đề thi chưa đủ khả năng phân loại, buộc các trường đại học phải tổ chức kỳ thi riêng gây lãng phí nguồn lực.

Về phương pháp giảng dạy, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường áp dụng chương trình mới bằng cách tăng cường hoạt động nhóm, trải nghiệm, ứng dụng thực tiễn. Giáo viên không được sử dụng nguyên văn ngữ liệu trong sách giáo khoa để kiểm tra, đánh giá mà phải xây dựng các ngữ liệu đa dạng từ nhiều nguồn. Điều này giúp học sinh phát triển tư duy linh hoạt, giảm phụ thuộc vào việc học thuộc lòng.

Công tác ôn tập được định hướng theo chủ đề cốt lõi, kết hợp luyện tập giải quyết tình huống thực tế. Bác sĩ khi kê đơn thuốc cũng cần căn cứ tình trạng cụ thể của bệnh nhân, tương tự, giáo viên cần dựa trên năng lực học sinh để thiết kế hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp.

Thứ trưởng Thưởng nhấn mạnh, đề thi năm nay vẫn bám sát chương trình GDPT 2018, không vượt quá yêu cầu cần đạt, nhưng có tỷ lệ các câu hỏi tư duy cao hơn. Việc có ý kiến trái chiều về độ khó cần nhìn nhận toàn diện và đợi kết quả chấm thi để có căn cứ phân tích phổ điểm, từ đó rút ra đánh giá khách quan.

Bộ GD-ĐT cũng đang tiến hành các bước như chấm thi, đối sánh dữ liệu điểm, xét tốt nghiệp và chuẩn bị công bố kết quả vào 8h sáng 16/7. Song song đó, Bộ triển khai phân tích điểm hiệu chỉnh – phương pháp mới để so sánh điểm giữa các môn, đánh giá chất lượng dạy học và tiến bộ tại từng địa phương.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm quy trình chấm thi tự luận, trắc nghiệm và phúc khảo, đồng thời củng cố hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công bố kết quả đúng thời gian. Các trường tiếp tục đổi mới dạy – học theo hướng tích hợp, liên môn, sát thực tế, giúp học sinh thích ứng tốt với định hướng đánh giá năng lực.

Bộ cũng đề nghị báo chí không quy chụp, bình luận cảm tính khi chưa có phổ điểm chính thức, đồng thời đồng hành tuyên truyền về đổi mới thi cử vì mục tiêu "học thật, thi thật".

Bình luận