Cụ thể, trong văn bản ban hành ngày 10/7, Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh, thời gian qua, thiên tai xảy ra ngày càng cực đoan, trái quy luật, làm gia tăng rủi ro đối với hệ thống đê điều trên cả nước. Nhiều sự cố nghiêm trọng đã được ghi nhận như: cống tiêu tự chảy Văn Thai trên đê hữu Thái Bình bị hỏng khớp nối, lún thân cống, phải tiến hành hoành triệt; đùn sủi diện rộng tại bể hút trạm bơm Cẩm Bào trên đê hữu Cầu, Bắc Ninh…
Bộ yêu cầu các địa phương tập trung triển khai 5 nội dung trọng tâm:
Một là, kiểm tra, rà soát toàn bộ công trình đê điều và phương án hộ đê trên địa bàn; đánh giá hiện trạng, phân loại các điểm xung yếu, có nguy cơ mất an toàn.
Hai là, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra trong mùa mưa lũ.

Ba là, khẩn trương phân công, phân cấp rõ ràng trách nhiệm giữa các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan trong từng khâu chuẩn bị và triển khai thực hiện. Bộ đặc biệt lưu ý không để bị động, gián đoạn công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh các địa phương đang tổ chức lại bộ máy hành chính sau sáp nhập.
Bốn là, nhanh chóng hoàn tất việc sửa chữa các hư hỏng, sự cố đê điều còn tồn tại theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại văn bản số 5183/VPCP-NN ngày 11/6/2025.
Năm là, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Môi trường trước ngày 25/7/2025 để tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ cũng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ xử lý các điểm xung yếu, đặc biệt là các đoạn đê bảo vệ khu dân cư đông người, vùng trọng điểm lúa và các khu vực ven sông có nguy cơ sạt lở cao. Trong quá trình thực hiện, các địa phương phải bảo đảm tính đồng bộ giữa phòng, chống thiên tai và quản lý hành chính, tránh tình trạng lúng túng do thay đổi tổ chức bộ máy.
Văn bản cũng nhấn mạnh, trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đê điều không chỉ là hạ tầng phòng lũ mà còn là tuyến phòng thủ an ninh dân sinh trọng yếu, vì vậy mọi hoạt động liên quan đến kiểm tra, tu bổ, duy tu hệ thống đê phải được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ.
Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương và tinh thần chủ động từ các địa phương, mục tiêu cao nhất được đặt ra là không để xảy ra vỡ đê, mất an toàn trong mùa mưa lũ, bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và an toàn sản xuất nông nghiệp.