Bão số 3 di chuyển nhanh, hoàn lưu rộng, cần chủ động ứng phó

Sáng 19/7, bão Wipha đã vượt qua kinh tuyến 120, chính thức đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh với hoàn lưu rộng, lệch về phía Tây và Nam.

Hiện bão mạnh cấp 9, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 1.000km về phía Đông, tốc độ di chuyển khoảng 20 km/h. Dự báo trong những ngày tới, bão có thể đạt cường độ mạnh cấp 12–13, giật cấp 14–15 tại khu vực phía Đông bán đảo Lôi Châu, sau đó suy yếu dần khi đi vào đất liền Trung Quốc và tiếp cận vịnh Bắc Bộ với cường độ khoảng cấp 8–10.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Khiêm – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia – nguy cơ lớn nhất trong 24 giờ tới là gió mạnh, sóng lớn trên vùng biển phía Bắc và giữa Biển Đông, đặc biệt khu vực đặc quyền kinh tế Hoàng Sa. Gió có thể mạnh cấp 10–12, giật cấp 15, sóng cao 4–6m.

Bao so 3
Ảnh minh hoạ 

Từ ngày 20–21/7, các đảo ven bờ như Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải… có khả năng chịu ảnh hưởng của gió giật mạnh và mưa lớn. Từ rạng sáng 22/7, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sẽ bắt đầu hứng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão với gió cấp 7–9, sóng cao 3–5m, nước dâng kết hợp triều cường gây ngập úng vùng trũng, đặc biệt tại Quảng Ninh và Hải Phòng.

Trên đất liền, hoàn lưu bão ảnh hưởng rộng khắp vùng Đông Bắc Bộ, một phần Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động mạnh nhất. Đợt mưa lớn diện rộng dự kiến kéo dài từ ngày 21–24/7, có nơi mưa cục bộ vượt 150mm trong 3 giờ.

Ngoài ra, lũ lớn trên các sông khu vực Bắc Bộ và từ Thanh Hóa đến Nghệ An có thể xuất hiện từ ngày 21/7 với biên độ lũ tăng 3–6m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập sâu ở khu vực đô thị và vùng dân cư ven sông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết công tác theo dõi bão đã được kích hoạt sớm từ ngày 16/7 khi phát hiện áp thấp nhiệt đới. Đến ngày 18/7, thông tin bão gần Biển Đông đã được phát liên tục. Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng tổ chức họp ứng phó khẩn cấp với sự tham gia của các đơn vị khí tượng và phòng chống thiên tai.

Cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân theo dõi sát các bản tin dự báo chính thống qua website nchmf.gov.vn hoặc đài truyền hình, phát thanh trung ương và địa phương. Chính quyền các địa phương cần khẩn trương rà soát điểm xung yếu, tổ chức sơ tán dân vùng nguy cơ, sẵn sàng lực lượng ứng phó khi xảy ra sự cố do mưa lũ, sạt lở.

“Không chủ quan là nguyên tắc sống còn trong phòng chống thiên tai”, ông Mai Văn Khiêm nhấn mạnh.

 
Bình luận