Cơ hội chuyển mình nhờ trí tuệ nhân tạo
Xã hội hiện tại đang trong thời kỳ cách mạng công nghệ vượt bậc, cùng với sự ra đời của nhiều sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đặc biệt là trí tuệ nhân tạo tạo sinh (generative artificial intelligence – GAI). Các ngành nghề lĩnh vực dần hội nhập và tận dụng các thế mạnh mà công nghệ mới đem lại. Báo chí không nằm ngoài guồng vận động này.
Các thể loại báo chí truyền thống như báo giấy, báo nói, báo hình hòa vào dòng chảy công nghệ, ứng dụng các tiện ích trí tuệ nhân tạo như Chat GPT, Gemini…để tối ưu hóa các bước sản xuất nội dung, chương trình.
Như chia sẻ từ nhà báo Vũ Tùng (báo Người lao động), AI hiện đang được sử dụng như một trợ lý ảo đắc lực nhằm tối ưu hóa sản xuất nội dung, tăng hiệu suất sản xuất nội dung số theo yêu cầu cá nhân hóa và các đặc tính của tác phẩm, sản phẩm báo chí số (tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số).
AI giúp phóng viên tiết kiệm thời gian trong tìm kiếm, chắt lọc thông tin, theo dõi sự kiện, xác định xu hướng, hỗ trợ phân tích các định dạng nội dung, từ đó gợi ý nội dung cần xuất bản để phù hợp với nhu cầu và thị hiếu…

Anh Vũ Tùng cho biết một số tòa soạn ở Việt Nam đã ứng dụng AI khá sớm, như báo điện tử Vietnamplus của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), hay Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh thử nghiệm sử dụng Chat GPT vào đầu năm 2023 để xây dựng kịch bản chương trình phóng sự. Và nhiều tòa soạn, Đài Truyền hình khác ở Việt Nam đã ứng dụng những thuật toán hoặc ứng dụng AI trong quá trình sản xuất và xuất bản.
Mỗi cơ quan ứng dụng ở mức độ khác nhau, trong các khâu khác nhau tùy vào nhu cầu của đơn vị.
Nhà báo Vũ Tùng cho biết Báo Người Lao động đã đưa MC “ảo” vào chuyên mục mới AI 365 của đơn vị, một cách làm phong phú thêm các nội dung tin tức, giúp thu hút bạn đọc.
Song song với ứng dụng công nghệ mới, hình thức của báo chí cũng có sự chuyển hóa. Không đơn thuần là in trên giấy, bản tin, chương trình chuyên mục phát thanh, truyền hình mà đa dạng hơn như podcast, các trang thông tin trên mạng xã hội, giúp công chúng tiếp cận dễ dàng hơn.
Dù nỗ lực phát triển cùng thời đại số, báo chí Việt Nam đối mặt không ít khó khăn, thách thức. Các cơ quan báo chí chưa đủ nhân lực nắm bắt và ứng dụng AI vào hoạt động chuyên môn do các khóa huấn luyện, tập huấn về lĩnh vực này chưa mở rộng, thời gian tập huấn ngắn, nội dung đơn giản, vẫn mang tính ngắn hạn, không hệ thống.
Các cơ quan, đơn vị báo chí hầu hết gặp khó khăn về tài chính và cơ sở vật chất cho việc ứng dụng AI, bao gồm kinh phí cho tác quyền phần mềm AI, các thiết bị chuyên dụng có tích hợp tính năng AI….Phần lớn các ứng dụng trí tuệ nhân tạo đều đòi hỏi khoản chi lớn mà không phải lúc nào các báo, đài đều có sẵn nguồn tài chính để mua.
“Lỗ hổng” công nghệ tạo thách thức về vấn nạn tin giả
Một thách thức khác của báo chí trong thời đại số hóa là vấn nạn tin giả. Khi mỗi người dân chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và kết nối với các nền tảng mạng xã hội, các nguồn tin tự do, có thể tạo ngay một nội dung thông tin và lan truyền đi, dù thông tin đó chưa có bằng chứng xác thực hoặc thậm chí là việc cố tình tạo tin giả gây hoang mang.
Vấn nạn này ngày càng nguy hiểm hơn khi có các công nghệ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ tạo ra những căn cứ đầy thuyết phục. Nhiều hình ảnh, video được cắt ghép, tạo dựng bởi AI tinh xảo đã khiến rất nhiều người dùng mạng xã hội tin tưởng đây là sự thật.
Các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp rà soát, ngăn chặn các nội dung mang ý “xấu” cũng như các đối tượng phát tán những nội dung này. Tuy nhiên vẫn chưa thể triệt tiêu hoàn toàn khi hiệu quả của công tác này cần một phần nỗ lực đến từ người dân, từ cộng đồng người sử dụng các nền tảng số. Người sử dụng nền tảng số cần có ý thức tự kiểm chứng, đặt vấn đề trước những thông tin mình tiếp cận, có nhận thức về các hình thức tuyên truyền chống phá, xuyên tạc để tự tạo cho mình “màng lọc” thông tin.
Có thể thấy, báo chí trong nước đã và đang không ngừng nỗ lực cải tiến, đổi mới để có thể thích ứng được với những thay đổi của thời đại. Ứng dụng công nghệ, tung ra nhiều loại hình mới bắt mắt…là các bước đi mà nhiều cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình đang triển khai để duy trì vị thế là nguồn cung cấp thông tin chính thống đáng tin cậy, vững chắc trong bối cảnh các nền tảng mạng xã hội với tràn ngập thông tin giả, chưa xác thực chiếm được lòng tin của người xem và người nghe.