Dự kiến, các chức danh lãnh đạo cấp tỉnh và xã sẽ được công bố gồm bí thư, phó bí thư; chủ tịch và phó chủ tịch UBND; chủ tịch và phó chủ tịch HĐND và nhiều chức danh khác. Nhân sự đoàn đại biểu Quốc hội 34 tỉnh thành dự kiến cũng được công bố cùng ngày.
Theo nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, toàn quốc giảm từ 63 xuống còn 34 tỉnh thành. 11 tỉnh thành phố giữ nguyên hiện trạng gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.
23 tỉnh, thành mới: Tuyên Quang, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Đắk Lắk, TP.HCM, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau và An Giang.
Như vậy sau sáp nhập cả nước từ 63 tỉnh, thành xuống 34 tỉnh, thành.

Số đơn vị hành chính cấp xã trên toàn quốc sẽ giảm còn 3.321 xã, phường, đặc khu, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố, thị xã thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố, thị trấn trên toàn quốc sẽ giải thể.
Các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành từ 1/7 là thời điểm 34 tỉnh thành mới và 3.321 xã, phường, đặc khu cùng mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức đi vào hoạt động.
Đến nay, tất cả tỉnh thành đều đã công bố danh sách các xã, phường, đặc khu mới sau sáp nhập cũng như trụ sở hành chính cấp xã.
Theo ghi nhận đến thời điểm hiện tại, các đơn vị hành chính mới tại TPHCM và các tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho lễ công bố nghị quyết, quyết định sáp nhập các đơn vị hành chính vào ngày 30/6 và vận hành chính thức mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7.
TPHCM
Các đại biểu từ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM đã đến Học viện Cán bộ thành phố - địa điểm tổ chức lễ công bố ở TPHCM. Lễ sẽ chính thức bắt đầu từ 8h và được trực tuyến đến 168 phường, xã, đặc khu của TPHCM mới.
Điểm cầu TPHCM có sự tham gia của Tổng Bí thư Tô Lâm cùng lãnh đạo Trung ương, địa phương, bí thư 168 xã, phường, đặc khu của thành phố sau sáp nhập. Tại các điểm cầu cấp xã, phó bí thư kiêm chủ tịch xã, phường, đặc khu sẽ chủ trì và đặc biệt có sự tham dự đại diện cộng đồng dân cư địa phương.


Hà Nội
Sáng 30/6, tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các quyết định của thành phố liên quan đến việc triển khai tổ chức đơn vị hành chính cấp xã theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Lễ công bố được kỳ vọng sẽ tạo nên không khí phấn khởi, đoàn kết trong toàn xã hội, để thực sự trở thành “ngày hội của toàn dân”. Qua đó, sự kiện sẽ đánh dấu bước khởi đầu cho việc vận hành chính thức bộ máy chính quyền địa phương hai cấp tại Hà Nội - một hệ thống được kỳ vọng sẽ hoạt động hiệu quả, gần dân, sát dân và vì Nhân dân phục vụ.
Lễ công bố sẽ được tổ chức vào lúc 8 giờ ngày 30/6/2025 và sẽ được truyền hình trực tiếp trên Đài PT&TH Hà Nội và trực tuyến đến 126 xã, phường trên địa bàn TP.

Sáng 30/6, các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ đồng thời tổ chức "Lễ công bố Nghị quyết của Quốc hội về sáp nhập tỉnh, thành phố cùng các quyết định của Trung ương Đảng thành lập đảng bộ tỉnh và nhân sự lãnh đạo địa phương".
Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ dự lễ công bố ở điểm cầu TPHCM; Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ công bố ở điểm cầu Thủ đô Hà Nội; Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ở điểm cầu Thành phố Hải Phòng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ công bố ở điểm cầu Thành phố Cần Thơ; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú dự lễ ở điểm cầu Thành phố Đà Nẵng.