Một báo cáo vừa được giải mật do Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Tulsi Gabbard công bố đã gây chấn động chính trường, khi cáo buộc chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama từng che giấu thông tin tình báo liên quan đến nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Bà Gabbard kêu gọi truy tố các quan chức có liên quan, bao gồm cả ông Obama, vì "âm mưu phản quốc."
Theo báo cáo, các quan chức cấp cao dưới thời ông Obama gồm James Clapper (Giám đốc Tình báo Quốc gia), John Brennan (Giám đốc CIA) và James Comey (Giám đốc FBI) bị cáo buộc đã thao túng và làm sai lệch thông tin tình báo để làm ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 – nơi ông Donald Trump giành chiến thắng.

Bà Gabbard khẳng định toàn bộ các tài liệu liên quan sẽ được chuyển cho Bộ Tư pháp Mỹ để phục vụ điều tra hình sự, nhấn mạnh rằng "không ai đứng trên pháp luật, dù họ từng nắm giữ vị trí cao đến đâu." Theo bà, cần đảm bảo công lý không chỉ cho ông Trump và gia đình, mà còn cho toàn thể người dân Mỹ.
Tài liệu được công bố cho thấy một báo cáo nội bộ đề ngày 12/9/2016 từng khẳng định không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ thế lực nước ngoài nào đủ khả năng thực hiện tấn công mạng quy mô lớn nhằm can thiệp kết quả bầu cử Mỹ mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, các cơ quan tình báo Mỹ lại ra tuyên bố cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin "muốn ông Trump thắng cử."
Bà Gabbard cho rằng sự thay đổi này là hệ quả của việc chính quyền Obama gây áp lực buộc giới tình báo điều chỉnh kết luận. Bà trích dẫn một email từ trợ lý của ông Clapper cho biết ông Obama từng yêu cầu “đánh giá lại các công cụ mà Moskva sử dụng để can thiệp vào cuộc bầu cử.”
Báo cáo của bà Gabbard nhấn mạnh mâu thuẫn giữa kết luận ban đầu và kết luận cuối cùng là bằng chứng cho thấy có sự can thiệp chính trị vào hoạt động tình báo. Bà tuyên bố đây là hành vi nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến nền dân chủ Mỹ và yêu cầu điều tra hình sự toàn diện đối với các quan chức liên quan.
Tuy nhiên, một số chính trị gia Dân chủ đã lên tiếng phản đối. Thượng nghị sĩ Mark Warner – thành viên cao cấp của Ủy ban Tình báo Thượng viện – cho rằng báo cáo đã "so sánh sai lệch giữa hai vấn đề hoàn toàn khác nhau": tấn công mạng vào hệ thống bỏ phiếu và chiến dịch ảnh hưởng dư luận của Nga.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Jim Himes chỉ trích mạnh mẽ việc đưa ra cáo buộc phản quốc đối với chính quyền Obama, cho rằng đây là hành vi "gây tổn hại và nguy hiểm" khi cố gắng viết lại lịch sử bằng những tuyên bố thiếu căn cứ. Ông khẳng định các lãnh đạo tình báo năm 2016 đã hành động vì trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp, không vì lợi ích chính trị.
Tính đến nay, ba nhân vật bị nêu tên – Clapper, Brennan và Comey – vẫn chưa đưa ra phản hồi về các cáo buộc.
Theo Hiến pháp Mỹ, tội phản quốc đòi hỏi bằng chứng nghiêm ngặt, bao gồm lời thú tội trước tòa hoặc có ít nhất hai nhân chứng xác nhận một hành vi cụ thể.