Trong sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp bán dẫn, các trường đại học đóng một vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới đều có các chương trình đào tạo liên quan đến thiết kế vi mạch ở trình độ đại học và sau đại học, hàng năm cho ra nhiều công trình nghiên cứu mới về vi mạch và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền công nghiệp vi mạch quốc gia.
Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG-HCM) cũng đã mở chương trình đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch bằng tiếng Anh, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp mũi nhọn này.

Đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch với tính liên ngành cao
Chương trình đào tạo ngành Thiết kế Vi mạch được trường Đại học Bách khoa xây dựng với tính liên ngành cao, kết hợp các lĩnh vực Điện tử, Khoa học Máy tính và Công nghệ Vật liệu nhằm đáp ứng nhu cầu công nghệ ngày càng phức tạp và đa dạng trong công nghiệp hiện đại.
Cụ thể, về Điện tử & Kỹ thuật Vi mạch, sinh viên học về thiết kế mạch tương tự, mạch số, vi xử lý, cùng các kỹ thuật chuyên sâu như vi mạch số, hệ thống nhúng và siêu cao tần, đáp ứng yêu cầu cao về hiệu năng và độ tin cậy.
Về Khoa học Máy tính & Kỹ thuật hệ thống, chương trình trang bị kiến thức về kiến trúc máy tính, hệ điều hành nhúng, SoC, cùng kỹ thuật lập trình và AI, giúp tối ưu hóa thiết kế vi mạch trong IoT, xe tự hành và thiết bị thông minh.
Về Công nghệ Vật liệu & Khoa học Bán dẫn, sinh viên được đào tạo về vật lý bán dẫn, công nghệ vật liệu điện tử và thực hành tại phòng thí nghiệm, đảm bảo chất lượng vi mạch cho các ứng dụng y tế, quốc phòng và công nghệ cao.
Sinh viên không chỉ học cách thiết kế vi mạch mà còn được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến như vật liệu bán dẫn,công cụ thiết kế kỹ thuật số, với cơ hội làm việc trong các tập đoàn viễn thông, ô tô, công nghệ thông tin, thiết bị y tế, công nghệ bán dẫn.
Trường Đại học Bách khoa cho biết, đội ngũ giảng viên được đào tạo từ các nước có nền giáo dục phát triển trên thế giới như Mỹ, Đức, Pháp, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore… có nhiều năm kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu về lĩnh vực thiết kế vi mạch và công nghệ bán dẫn.
Hiện nay, Trường đã được đầu tư và tài trợ nhiều phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy các môn học cơ sở ngành với nhiều bản quyền phần mềm chuyên nghiệp như hệ thống phần mềm của 2 công ty lớn nhất thế giới về cung cấp công cụ thiết kế vi mạch là Synopsys, Cadence.
Khoa Điện - Điện tử đã triển khai kế hoạch tiếp nhận tài trợ phòng thí nghiệm từ công ty Marvell, nhằm phục vụ sinh viên của ngành Thiết kế Vi mạch nói riêng, và sinh viên của Khoa nói chung.
Triển vọng nghề nghiệp của ngành Thiết kế Vi mạch
Theo dự báo tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này, trong 5 năm tới, Việt Nam cần khoảng 20.000 người và 10 năm tới sẽ là khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Nhu cầu nguồn lao động rất lớn, trong khi khả năng cung cấp cho thị trường lao động ngành này đang chỉ đạt khoảng 20%.
Chương trình đào tạo Thiết kế Vi mạch với nền tảng liên ngành mạnh mẽ sẽ mang đến cho sinh viên cơ hội làm việc tại các công ty sản xuất và thiết kế vi mạch lớn trong và ngoài nước, tham gia vào các khâu thiết kế front-end, back-end, kiểm thử, hoặc làm việc trong các trung tâm nghiên cứu phát triển công nghệ tiên tiến.

Đặc biệt, sinh viên có cơ hội chuyển tiếp du học sang các nước Úc, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand với hệ thống đối tác uy tín và thứ hạng cao của Trường. Sinh viên cũng có cơ hội nhận được các suất học bổng đa dạng khi đủ điều kiện và thông qua tuyển chọn từ đối tác, học bổng khuyến học, học bổng từ các doanh nghiệp và cựu sinh viên, tiêu biểu…
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển” và “Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển”. Trong danh mục này, “công nghệ thiết kế, chế tạo các vi mạch điện tử tích hợp (IC)” được nêu đầu tiên.
Điều này chứng tỏ rằng, nghiên cứu và thiết kế vi mạch là định hướng phát triển công nghệ cao được ưu tiên hàng đầu không chỉ ở TPHCM mà còn của cả nước. Vì vậy, vi mạch Việt Nam đang được Nhà nước xác định trở thành một trong những mũi nhọn công nghệ quốc gia.