Thay vì tìm tình yêu cho chính mình, họ đóng vai "người đại diện", chủ động lọc hồ sơ và liên hệ với gia đình có tiềm năng trở thành thông gia.
Trên một nền tảng hẹn hò trực tuyến, hồ sơ của một cô gái sinh năm 1994 được cha mẹ giới thiệu: “Tốt nghiệp cao đẳng, làm tại doanh nghiệp xây dựng, thu nhập 50.000-100.000 tệ/năm, cao 1,7 m, tính tình hiền lành, rộng lượng”.
Dòng mô tả ngắn gọn “mong tìm được một nửa phù hợp cho con” phản ánh xu hướng mới trong thị trường mai mối trực tuyến, nơi các bậc phụ huynh đang dần trở thành đối tượng người dùng chính.

Thị trường mai mối số bùng nổ
Các nền tảng như Perfect In-laws hay Family Match được thiết kế riêng cho người dùng trung niên, với giao diện đơn giản, chữ to, bộ lọc ưu tiên các tiêu chí thực tế như học vấn, thu nhập, hộ khẩu và tài sản. Một số còn cung cấp dịch vụ ngoại tuyến như phỏng vấn qua điện thoại hoặc tư vấn từ chuyên gia mai mối.
Theo công ty nghiên cứu iiMedia Research, thị trường hẹn hò trực tuyến của Trung Quốc đã tăng trưởng từ khoảng 373 triệu USD năm 2014 lên 1,3 tỷ USD vào năm 2023. Một phần đáng kể của sự tăng trưởng đến từ nhóm người dùng mới: các bậc phụ huynh.
Tỷ lệ kết hôn giảm, ngày càng nhiều người trẻ trì hoãn lập gia đình khiến các cha mẹ sốt ruột. Họ lo lắng về người nối dõi và cho rằng con mình quá bận hoặc thụ động. Một số người trẻ chấp nhận, nhưng nhiều người phản đối vì không muốn bị kiểm soát hay áp đặt các giá trị bị cho là lỗi thời.
Bà Huang Yixuan, người sáng lập công ty mai mối Jinsheng Youxing tại Thành Đô, cho biết: “Từ năm 2019, phụ huynh đã trở thành nhóm khách hàng chủ lực, chiếm tới 65% người dùng. Cha mẹ của những người độc thân trong độ tuổi 28-38 thường sốt ruột hơn cả con cái họ”.
"Gia đình đi trước một bước"
Xu hướng này không phải là hôn nhân sắp đặt, nhiều chuyên gia mô tả đây là mô hình "gia đình đi trước một bước", trong đó cha mẹ đảm nhận phần lớn công đoạn lựa chọn và kết nối, trước khi con cái quyết định cuối cùng. Trong nhiều trường hợp, kết quả là sự dung hòa: cha mẹ thúc ép, con cái phản kháng và cuối cùng cả hai bên cùng điều chỉnh.
Nancy Xu, 27 tuổi, sống tại Quảng Đông, cho biết cô choáng váng khi nhận được loạt hồ sơ các chàng trai được cha mẹ gửi qua WeChat kèm lời nhắn: “Rảnh thì xem”. Mỗi ngày, cha mẹ cô đều gửi một hồ sơ mới, và không hài lòng khi cô tỏ ra thờ ơ. “Sự thúc giục liên tục khiến tôi ngột ngạt”, Xu nói, dù cô cũng thừa nhận các lựa chọn của cha mẹ thường có điều kiện kinh tế tốt hơn.

Niềm tin vẫn đặt vào gặp mặt trực tiếp
Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng tin tưởng vào nền tảng kỹ thuật số. Tại “góc mai mối” trong Công viên Nhân dân Thượng Hải, nhiều cha mẹ vẫn tụ tập vào cuối tuần để trao đổi thông tin trực tiếp. Trong 17 phụ huynh được phỏng vấn, chỉ ba người từng thử dùng ứng dụng hẹn hò. “Không thể tin vào hồ sơ trên mạng”, một bà mẹ nói, cho rằng gặp mặt trực tiếp vẫn thẳng thắn và đáng tin cậy hơn.
Một số người lại tiếp cận xu hướng này với sự thận trọng. Bà Li Dengyun, 52 tuổi, ở tỉnh An Huy, sau nhiều tháng tìm đối tượng cho con gái 26 tuổi đã thử tải ứng dụng Family Match. Dù ấn tượng với các hồ sơ học vấn cao, bà vẫn lo ngại lừa đảo và chỉ đăng hồ sơ để "thăm dò".
Trên ứng dụng Hongxian Qinjia, người dùng có thể xác minh danh tính và nhận 20 hồ sơ đề xuất mỗi ngày. Nền tảng này còn cung cấp các gói trả phí như "Siêu đề xuất" hoặc gói thành viên năm (365 tệ) cho phép liên hệ không giới hạn. “Sau khi hiểu rõ dịch vụ, các phụ huynh thường chủ động hơn trong việc giới thiệu con cái”, bà Huang Yixuan nói và tiết lộ một số cặp đôi kết hôn chỉ sau 35-41 ngày gặp mặt, nhờ sự tương đồng về điều kiện gia đình.
Vẫn là người trẻ quyết định
Dù bị thúc ép, phần lớn người trẻ vẫn là người đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, áp lực từ gia đình không dễ phớt lờ. Nhà xã hội học Du Shichao từ Đại học Phúc Đán nhận định: “Đây là một bước tiến trong lịch sử mai mối lâu đời của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nền tảng này hoạt động như một cuộc đàm phán nhiều hơn là một mối quan hệ lãng mạn”.
Câu chuyện của Nancy Xu là một ví dụ điển hình. Sau khi chia tay bạn trai vì bị cha mẹ chê gia cảnh không phù hợp, cô phản ứng gay gắt: “Sao cha mẹ không chọn luôn một người rồi gọi con đi ký giấy kết hôn?”. Đáp lại, cha mẹ cô dọa cắt hỗ trợ tài chính nếu cô không hợp tác. “Khi nào tôi độc lập tài chính, tôi mới có tiếng nói. Còn giờ, tôi vẫn phải thỏa hiệp”, Xu chia sẻ.