TPHCM: Sốt xuất huyết tăng vọt, cảnh báo mức báo động

Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) vừa phát đi cảnh báo khẩn về diễn biến phức tạp và đáng lo ngại của dịch sốt xuất huyết trên địa bàn, khi số ca mắc tăng hơn 150% so với cùng kỳ,...

Theo HCDC, tính đến hết tuần 27 (từ 30/6 đến 6/7), toàn thành phố ghi nhận 14.370 ca sốt xuất huyết, tăng 153,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, TPHCM cũ có 11.014 ca (tăng 158%), Bình Dương 2.494 ca (tăng 145%), và Bà Rịa - Vũng Tàu 862 ca (tăng 122%). Đã có 6 trường hợp tử vong, gồm 3 ca tại TPHCM, 2 tại Bình Dương và 1 tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Riêng trong tuần 27, số ca mắc mới tăng lên 838 ca, tăng 43 ca so với tuần trước. Giới chuyên môn cảnh báo TPHCM đang bước vào cao điểm mùa mưa – điều kiện thuận lợi để muỗi vằn sinh sôi, làm gia tăng nguy cơ bùng phát dịch.

Theo HCDC, nếu không duy trì liên tục hoạt động diệt lăng quăng, xử lý ổ dịch tại cộng đồng, nguy cơ hình thành các chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao. Điều này sẽ tạo áp lực lớn cho hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến quận, huyện.

SXH 2024
Ảnh minh hoạ 

Trên cơ sở dữ liệu dịch tễ nhiều năm, giai đoạn giữa tháng 6 đến cuối tháng 8 luôn là thời điểm bùng phát mạnh của dịch sốt xuất huyết. Từ đó, TPHCM xác định phương châm hành động là: “Chủ động phòng ngừa – Phát hiện sớm – Xử lý triệt để”.

Ngành y tế thành phố đã tăng cường các biện pháp ứng phó như: giám sát dịch tễ chặt chẽ, đánh giá điểm nguy cơ, xử lý ổ dịch kịp thời, và đặc biệt đẩy mạnh truyền thông phòng dịch qua các kênh trực tuyến, trong đó có ứng dụng “Y tế trực tuyến” để tiếp nhận và xử lý phản ánh từ người dân.

Người dân được khuyến cáo không chủ quan, cần chủ động tìm và loại bỏ các vật dụng chứa nước (lọ hoa, thùng xốp, vỏ lon…), đậy kín dụng cụ trữ nước, sử dụng màn ngủ, xịt muỗi, kem chống muỗi và vệ sinh môi trường thường xuyên.

Đáng chú ý, các chuyên gia khuyến cáo không nên tự ý điều trị tại nhà. Khi có dấu hiệu sốt hoặc nghi ngờ mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Việc chậm trễ hoặc dùng thuốc sai cách có thể dẫn đến biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng.

PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng – Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết có những đêm đơn vị cấp cứu tiếp nhận tới 30 ca sốt xuất huyết nặng liên tục. Trong khi đó, TS Nguyễn Huy Luân (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cảnh báo có bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết trong nhiều tháng, chi phí lên tới gần 1 tỷ đồng.

Đặc biệt, bác sĩ Bạch Thị Chính (VNVC) lưu ý rằng người từng mắc sốt xuất huyết vẫn có thể bị sốc nặng nếu tái nhiễm chủng Dengue khác, do virus Dengue có 4 type huyết thanh và cơ chế “tăng cường phụ thuộc kháng thể” (ADE) dễ khiến bệnh trở nặng.

ThS Lê Hồng Nga – Phó Giám đốc HCDC – khẳng định: “Không thể đợi có dịch mới dự phòng. Mỗi người dân cần là một mắt xích chủ động trong chuỗi phòng chống, từ kiểm soát muỗi quanh năm đến chủ động tiêm phòng”.

Các chuyên gia nhấn mạnh, để kiểm soát sốt xuất huyết hiệu quả, cần một chiến lược toàn diện, trong đó tiêm chủng là công cụ quan trọng, giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.

 
Bình luận