Trong nỗ lực kiểm soát rối loạn lipid máu, nhiều bệnh nhân thường loại bỏ các thực phẩm được cho là giàu cholesterol như trứng và hải sản khỏi chế độ ăn.
Tuy nhiên, theo phân tích lâm sàng, các loại thịt chứa nhiều axit béo bão hòa như thịt ba chỉ heo và thịt bò mới là yếu tố nguy cơ cao hơn trong việc làm tăng cholesterol huyết thanh (hay còn gọi là cholesterol toàn phần trong máu), chứ không phải là trứng hoặc hải sản.

Chỉ số tăng cholesterol (CSI – Cholesterol-Saturated Fat Index)
Tiêu Tiệp Kiện, bác sĩ chuyên khoa Quản lý cân nặng và Điều trị béo phì giàu kinh nghiệm người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, cholesterol được chia thành hai loại chính: HDL (cholesterol lipoprotein tỷ trọng cao) và LDL (cholesterol lipoprotein tỷ trọng thấp).
Để đánh giá một loại thực phẩm có ảnh hưởng như thế nào đến nồng độ cholesterol trong máu, không thể chỉ dựa vào hàm lượng cholesterol hoặc axit béo bão hòa riêng lẻ. Cần phải xem xét đồng thời cả hai thành phần – tức là lượng cholesterol và axit béo bão hòa có trong thực phẩm đó.
Do đó, trong lâm sàng thường sử dụng chỉ số tăng cholesterol (CSI – Cholesterol-Saturated Fat Index) để đánh giá mức độ ảnh hưởng của thực phẩm đối với lipid máu. Chỉ số CSI càng cao thì nguy cơ tăng cholesterol máu càng lớn, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Mặc dù cholesterol có tiếng là “xấu”, nhưng thực tế đây là một chất sinh học thiết yếu đối với cơ thể. Nó là thành phần chính của màng tế bào, và là tiền chất để tổng hợp corticosteroid tuyến thượng thận, hormone sinh dục và axit mật. Do vậy, ngay cả khi không ăn thực phẩm chứa cholesterol, cơ thể vẫn sẽ tự tổng hợp cholesterol nội sinh để đáp ứng nhu cầu sinh lý.
Tuy nhiên, nếu trong xét nghiệm máu, nồng độ cholesterol thấp hơn giá trị bình thường, thì không nên chủ quan cho rằng đây là điều tốt. Vì cholesterol quá thấp có thể là dấu hiệu của suy dinh dưỡng và tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm cả nguy cơ tử vong tăng cao trong một số bệnh lý nền.
Bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện khuyến cáo rằng, mọi người có thể dựa vào chỉ số tăng cholesterol CSI để lựa chọn nguồn protein phù hợp, qua đó hỗ trợ hiệu quả trong việc kiểm soát lipid máu và tăng cường sức khỏe tổng thể.
Sử dụng chỉ số CSI để đánh giá nguy cơ tăng cholesterol
Bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện nhấn mạnh: mặc dù trứng và hải sản có hàm lượng cholesterol nội tại cao, song các nghiên cứu cho thấy axit béo bão hòa mới là thành phần ảnh hưởng trực tiếp hơn đến quá trình tổng hợp cholesterol nội sinh trong cơ thể.
Để hiểu được tác động của cholesterol và axit béo bão hòa đến lipid máu, trước tiên cần nắm rõ công thức tính chỉ số CSI như sau:
CSI = 0.05 x cholesterol (mg) + 1.01 x axit béo bão hòa (gr)
Ví dụ cụ thể như sau, thịt ba chỉ heo có chỉ số CSI là 18.65 (0.05 x 70 + 1.01 x15), trong khi trứng gà chỉ đạt 10.92 (0.05 x186 + 1.01x 1.6).
Điều này chứng minh rằng, mặc dù trứng có hàm lượng cholesterol cao hơn, nhưng do chứa ít axit béo bão hòa nên tác động thực tế đến nồng độ lipid máu toàn phần là thấp hơn so với thịt ba chỉ.
Khoảng 80% cholesterol nội sinh được tổng hợp trong cơ thể
Theo bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện, có đến 80% lượng cholesterol trong cơ thể là do gan tự tổng hợp, trong đó axit béo bão hòa đóng vai trò tiền chất quan trọng. Điều này lý giải vì sao việc kiểm soát lượng axit béo bão hòa trong khẩu phần ăn có tác động lớn đến nồng độ cholesterol máu hơn là việc hạn chế thực phẩm giàu cholesterol đơn thuần.
Lựa chọn nguồn protein đúng giúp cải thiện rối loạn lipid máu
Bác sĩ Tiêu Tiệp Kiện khuyến cáo: để can thiệp hiệu quả tình trạng tăng cholesterol, bệnh nhân nên giới hạn tiêu thụ các loại thịt giàu chất béo bão hòa như thịt ba chỉ heo, thịt bò, thay vì quá lo ngại về trứng hay hải sản.
Việc hiểu rõ cơ chế tổng hợp cholesterol nội sinh và các yếu tố thúc đẩy sẽ giúp thiết lập một chế độ ăn hợp lý và cân bằng, hỗ trợ duy trì nồng độ lipid máu ổn định, phòng ngừa các bệnh lý tim mạch liên quan và quản lý sức khỏe hiệu quả hơn.